Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI

PV.

Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thành công nhất của khu vực và trên thế giới thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam. Nguồn: internet

Đó là thông tin được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam được tổ chức hôm nay (4/10/2018).

Thành công trong thu hút FDI

Thủ tướng nhận định, tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn FDI là một chủ trương lớn, đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.

“Đầu tư nước ngoài là sản phẩm của đường lối mở cửa, đổi mới tư duy kinh tế của Việt Nam. Trong thực tiễn, chính hoạt động đầu tư nước ngoài cũng đặt ra những vấn đề thúc đẩy chúng ta phải đổi mới tư duy kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng thời là nhân tố mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội.” – Thủ tướng nói.

Theo đó, khu vực kinh tế có vốn FDI đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án FDI đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam. Riêng trong năm 2017, FDI chiếm gần 20% GDP và có mặt trong 19/21 ngành kinh tế và tất cả 63 tỉnh, thành phố cả nước; đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp; 70% kim ngạch xuất khẩu; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 8 tỷ USD (chiếm 17,1% tổng ngân sách nhà nước); sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công nhất của khu vực và trên thế giới thời gian qua và trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo 2017 của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên Hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong Top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI.

Mở rộng hợp tác đầu tư nước ngoài

Nói về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam nhất quán coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút FDI, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn.

Theo đó, Việt Nam không chỉ thu hút FDI mà hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập (M&A) gắn với bảo vệ môi trường… Hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ mang tính chủ động, bình đẳng, có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Trong đó, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp quy mô lớn, công nghệ chất lượng cao, gắn với các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, lao động, tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỉ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, thu hút các dự án FDI tiếp cận với các công nghệ tương lai của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn.

Việt Nam chủ trương hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia, các nhà đầu tư có công nghệ mới sáng tạo, có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế để hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, quy hoạch địa phương, vùng, đảm bảo hiệu quả...