Định hướng và giải pháp đẩy mạnh hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng
Hiện nay, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng ngày càng được chú trọng ở nhiều nước trên thế giới thông qua việc áp dụng các biện pháp theo tiêu chuẩn Basel II, Basel III và khuôn khổ CAMELS. Đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định sự phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững của hệ thống ngân hàng, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Một số nội dung thanh tra ngân hàng
Thanh tra hoạt động của các ngân hàng là việc làm hết sức quan trọng nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật và tạo sự bình đẳng, phát triển bền vững cho thị trường tiền tệ. Theo đó, hoạt động này tập trung vào một số nội dung cơ bản như:
- Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tiền tệ và ngân hàng, quy định khác của pháp luật có liên quan, việc thực hiện các quy định trong giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp;
- Xem xét, đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro và tình hình tài chính của đối tượng thanh tra ngân hàng; xem xét, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn, chất lượng và hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống kiểm trị rủi ro của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
- Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng; Phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật...
Thực trạng hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng
Khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động thanh tra, giám sát giai đoạn trước 2010 còn mang tính đơn lẻ, lỏng lẻo, vai trò chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của thanh tra Trung ương với thanh tra chi nhánh còn khá mờ nhạt; Nội dung thanh tra thu hẹp theo từng chuyên đề; Các cuộc thanh tra trực tiếp phần lớn tập trung vào chi nhánh Tổ chức tín dụng (TCTD); Khối lượng thanh tra chiếm tỷ lệ không đáng kể; Phương pháp thanh tra giới hạn ở thanh tra chấp hành chính sách pháp luật; Công tác cảnh báo rủi ro chưa được coi trọng; Kế hoạch thanh tra hằng năm thường xuyên bị phá vỡ; Các nguồn lực của hoạt động thanh tra cũng chưa được phân bổ một cách hợp lý…
Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu là do chưa kịp thời phát hiện những rủi ro mang tính hệ thống; chưa đánh giá đúng thực trạng tài chính của các TCTD; Chưa phát huy hết các nguồn lực thanh tra; Còn có hiện tượng thanh tra chồng chéo giữa Trung ương và các chi nhánh; Chất lượng thanh tra chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; Các sai phạm thường được phát hiện chậm trễ và chung chung; Chưa quy rõ đối tượng chịu trách nhiệm, nên công tác theo dõi, giám sát thực hiện chấn chỉnh sau thanh tra còn lỏng lẻo và kém hiệu quả.
Trong giai đoạn 2011-2016, hoạt động thanh tra ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhằm nhận diện rõ những tồn tại và hạn chế trong công tác thanh tra cũng như việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD hiện nay, cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) đã nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém thông qua nhiều giải pháp, cụ thể như:
- Coi trọng công tác giám sát, tiến dần tới giám sát rủi ro, khai thác triệt để thông tin và tính hữu ích từ các báo cáo giám sát; Hỗ trợ tích cực cho các đoàn thanh tra trực tiếp từ Trung ương đến địa phương trong việc lựa chọn mẫu thanh tra; Xây dựng kế hoạch thanh tra chi tiết và thực hiện thanh tra các TCTD, góp phần rút ngắn thời gian thanh tra, tăng năng suất, hiệu quả công tác thanh tra tại chỗ.
- Đổi mới phương pháp thanh tra: Chuyển từ thanh tra đơn lẻ sang thanh tra toàn diện các TCTD. Theo đó, các cuộc thanh tra được mở rộng cả về quy mô và phạm vi. Ngoài ra, theo đuổi mục đích chuyển đổi phương pháp thanh tra – kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại; Quán triệt tinh thần đổi mới phương pháp thanh tra trên cơ sở từng bước kết hợp thanh tra chấp hành chính sách pháp luật với thanh tra rủi ro; Bám sát các quy định của pháp luật Việt Nam với tiếp thu những nguyên tắc, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực thanh tra, giám sát ngân hàng nhưng không trái với quy định pháp luật Việt Nam và phù hợp với thực tế phát triển của các TCTD.
- Hình thức triển khai cũng thay đổi phù hợp với phương pháp thanh tra. Giai đoạn 2011-2016 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác thanh tra ngân hàng: Lần đầu tiên thanh tra ngân hàng đã thực hiện được việc chỉ đạo mang tính hệ thống xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến các chi nhánh tỉnh, thành phố. Ngoài ra, cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) còn chỉ đạo các đoàn thanh tra tại chỗ có kết luận rõ ràng về các vi phạm pháp luật và xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong từng vụ việc; đồng thời, đề xuất các biện pháp xử lý, cơ cấu lại TCTD và kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung cơ chế, chính sách. Đến nay, công tác thanh tra dần đi vào nề nếp, phát huy vai trò tích cực trong việc đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng.
- Nội dung thanh tra được mở rộng, tập trung một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm về thực trạng tài chính của từng TCTD, xác định cụ thể số lãi (lỗ), nguyên nhân lỗ, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan, bản chất của các khoản ủy thác, các khoản phải thu, tài sản có khác…
- Tổ chức tốt việc theo dõi, giám sát và xử lý kiến nghị sau thanh tra nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra; giám sát, góp phần nâng cao trật tự, kỹ cương tên thị trường tiền tệ ngân hàng.
- Công tác thanh tra được đổi mới theo hướng minh bạch, hoạt động thanh tra, tạo điều kiện cho NHNN chi nhánh chủ động hơn trong công tác thanh tra trên địa bàn, tạo lòng tin đối với xã hội.
Để nâng cao hoạt động thanh tra ngân hàng
Nối tiếp những kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước và tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò và vị trí quan trọng của hoạt động thanh tra ngân hàng, NHNN đã đề ra mục tiêu và định hướng đến năm 2020 như sau:
Về mục tiêu: Xác lập rõ ràng địa vị pháp lý, vai trò của cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; Tiếp tục đổi mới thanh tra, giám sát ngân hàng; Chú trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ thanh tra có đức, có tài, có trách nhiệm; Từng bước chuyên nghiệp hóa, hoàn thành tốt các nhiệm vụ hàng năm, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về định hướng: Kiện toàn bộ máy Thanh tra, giám sát ngân hàng, nâng cao tính chủ động của thanh tra NHNN chi nhánh; Tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng trong chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra trong toàn hệ thống; Nâng cao năng lực trình độ, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức cơ quan; Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; Bước đầu xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống kho thông tin dữ liệu của NHNN; Triển khai thực hiện có hiệu quả hệ thống đánh giá rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II đối với 10 TCTD được lựa chọn.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu và định hướng trên, cần tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, nâng cao vị trí và vai trò của thanh tra ngân hàng thông qua tăng cường tính độc lập các đơn vị thanh tra chi nhánh. Tập trung và thống nhất các hoạt động về chuyên môn và nghiệp vụ thanh tra ngân hàng trong toàn hệ thống.
Hai là, kiện toàn bộ máy nhân sự của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng. Tạo dựng và phát triển được đội ngũ cán bộ thanh tra, giám sát ngân hàng có năng lực, trình độ chuyên môn cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Ba là, xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Đây là nền tảng đảm bảo phục vụ công tác thanh tra theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng áp dụng các nguyên tắc của Basel II và thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010);
2. Ngân hàng Nhà nước: Hoạt động thanh tra giám sát ngành Ngân hàng;
3. Website: http://www.sbv.gov.vn; thoibaonganhang.com.vn, tapchitaichinh.vn...