Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc người bị thiệt hại
Theo quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại.
Gửi câu hỏi về Bộ Tài chính, một độc giả cho biết, ông A có tham gia bảo hiểm, ông A gây thiệt hại cho xe ô tô của ông B. Trong hồ sơ của cơ quan công an, ông A đã bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa xe ô tô cho ông B (bồi thường bằng tiền mặt có giấy nhận tiền và giấy bãi nại của ông A cho ông B trong hồ sơ công an).
Sau đó, ông B đem xe đi sửa tại cơ quan C và thanh toán tiền sửa chữa cho cơ quan C. Ông B chuyển hóa đơn do cơ quan C xuất cho bên bảo hiểm (trong hợp đồng sữa chữa chỉ có bên bảo hiểm và bên C). Do vậy, sau khi nhận đầy đủ hóa đơn chứng từ và hồ sơ công an bên bảo hiểm trả tiền cho bên A theo quy định Nghị định số 03/2021/NĐ-CP của Chính phủ, độc giả hỏi, trường hợp này phía bảo hiểm trả tiền cho chủ xe A (người tham gia bảo hiểm) có đúng không?
Trả lời câu hỏi của độc giả, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 56, Điều 57 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thay mặt bên mua bảo hiểm để thương lượng với người thứ ba về mức độ bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.
Về phương thức bồi thường, theo yêu cầu của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bồi thường trực tiếp cho người được bảo hiểm hoặc cho người thứ ba bị thiệt hại.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 14; Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 03/2021/NĐ-CP ngày 15/1/2021 của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người được bảo hiểm đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp người được bảo hiểm chết, mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại hoặc người thừa kế của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết) hoặc đại diện của người bị thiệt hại (trong trường hợp người bị thiệt hại mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc chưa đủ sáu tuổi)…
Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm phối hợp với bên mua bảo hiểm và các bên có liên quan để thu thập 1 bộ hồ sơ bồi thường bảo hiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ bồi thường bảo hiểm.
Trong đó, hồ sơ bồi thường bảo hiểm có tài liệu chứng minh thiệt hại đối với tài sản do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp: Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa, thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập giấy tờ này); Các giấy tờ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.