Sai phạm xây dựng trong khu công nghiệp:
Doanh nghiệp bị xử phạt, cũng cần nghiêm trị cơ quan quản lý?
Từ câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng mô hình “đường lưỡi bò” trong khu công nghiệp (KCN) An Dương (Hải Phòng) cho thấy việc quản lý hoạt động xây dựng trong các khu công nghiệp quá lỏng lẻo.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, Công ty TNHH liên hợp đầu tư Thâm Việt (chủ đầu tư KCN An Dương) trong quá trình đầu tư, xây dựng khu công nghiệp đã bị phát hiện có nhiều sai phạm trong hoạt động xây dựng. Thi công xây dựng nhà tạm tại lô đất CX5 (quy hoạch đất trồng cây xanh), sử dụng đất công cộng xây dựng nhà tạm phục vụ công tác điều hành kết hợp sinh hoạt và lưu trú… Không những thế, doanh nghiệp này còn ngang nhiên xây dựng mô hình giống “đường lưỡi bò” nằm trước nhà điều hành, trên phần đất quy hoạch công viên cây xanh.
Những sai phạm này, sau đó TP. Hải Phòng đã yêu cầu doanh nghiệp phải tháo dỡ. Tuy nhiên, từ thực tế này cho thấy việc quản lý xây dựng trong các khu công nghiệp Hải Phòng đang có dấu hiệu bị buông lỏng, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Cụ thể, vào cuối tháng 9/2019, cơ quan chức năng phát hiện dự án của Công ty TNHH HECOM xây dựng trên diện tích 27.000 m² với tổng vốn đầu tư hơn 220 tỷ đồng đã hoàn thành xây dựng nhưng chưa có giấy phép xây dựng. Cũng trong thời điểm này, các cơ quan chức năng phát hiện dự án nhà máy TAESUNG ENGINEERING VINA tại KCN Tràng Duệ (An Dương) xây dựng trên diện tích 5.000 m² với tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng cũng đã hoàn thành và cũng không có giấy phép xây dựng.
Tại KCN An Dương, ngày 11/9/2019, Công ty TNHH Autel Việt Nam thi công phần móng 2 nhà xưởng A, B và móng nhà văn phòng mà chưa có giấy phép xây dựng. Sau đó, các cơ quan chức năng Hải Phòng đã phải đình chỉ xây dựng.
Trước đó, tháng 7 và 8/2019, Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với một số dự án trong KCN An Dương. Trong đó, Công ty TNHH Sanhua, Công ty CP thép Ngũ Phúc vi phạm xây dựng không phép.
Tại KCN Đồ Sơn, nhiều dự án đầu tư tiến hành xây dựng khi chưa đủ thủ tục xây dựng, như: Công ty THHH Fwu Ji Resins Chemical Industry (VN), Công ty TNHH công nghệ chính xác Jinyunfeng Việt Nam, Công ty TNHH Zheng Xin Việt…
Để xảy ra hàng loạt sai phạm trên, trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý Hải Phòng. Trong đó trách nhiệm trực tiếp là của Ban Quản lý khu kinh tế và Sở Xây dựng... Dư luận cho rằng, doanh nghiệp bị xử phạt nhưng cũng cần nghiêm trị cách quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng Hải Phòng. Bởi chính sự chậm chạp trong xử lý đã tạo điều kiện cho các sai phạm khi bị phát hiện thường ở vào thế “đã rồi”. Thậm chí hình thành nhiều công trình mà không cần giấy phép xây dựng. Có tháo dỡ, khắc phục thì cũng rất khó khăn, tốn kém.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ tình trạng xây dựng tại các KCN, CCN, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng trái phép, xây dựng không đúng quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay các sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm.
Thực tế cho thấy, các sai phạm về xây dựng trong khu công nghiệp chỉ được phát hiện khi gần hoàn thành, đã hoàn thành, đi vào hoạt động... Thậm chí nhiều sai phạm chỉ được phát hiện khi có phản ánh.
Để rồi khi nhận được thông tin phản ánh, hầu hết các lãnh đạo đều trả lời sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. Hồ sơ công trình vi phạm cũng rất đầy đủ, đúng quy trình từ kiểm tra, xử phạt, đình chỉ, tháo dỡ nhưng rồi công trình vẫn còn đó, công trình mới tiếp tục mọc lên, mỗi thời lãnh đạo lại cho biết “lịch sử để lại”.
Hải Phòng còn xuất hiện thông tin, có tới 43 dự án có vi phạm các hình thức về quản lý quy hoạch xây dựng và chất lượng công trình. Tổng vốn đăng ký đầu tư của 43 dự án này lên tới hàng chục triệu USD. Hiện, Hải Phòng chưa có công bố công khai về thực tế quản lý xây dựng, hay các vi phạm, sai phạm tại các KCN, KKT trên địa bàn thành phố.