Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đói nguyên liệu những tháng cuối năm

Theo Minh Vân/ Báo Bình Thuận

Mặc dù có kho lạnh trữ nguyên liệu cho những tháng mùa bấc, nhưng các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh Bình Thuận vẫn đứng trước nguy cơ bị khách hàng hủy đơn, tìm thị trường ở các công ty khác nếu doanh nghiệp thủy sản tiếp tục chậm trả hàng.

Chế biến xuất khẩu thủy sản. Ảnh: N.Lân
Chế biến xuất khẩu thủy sản. Ảnh: N.Lân

Sẽ thiếu nguồn cung

Chưa có năm nào, ngành Thủy sản phải đối mặt với nhiều khó khăn đến vậy. Việc 2 cảng cá lớn của tỉnh Bình Thuận là Cảng La Gi và Phan Thiết tạm đóng cửa vì dịch trong thời gian dài đã khiến nguồn cung nguyên liệu càng rơi vào bế tắc. Hàng ngàn tàu thuyền phải nằm bờ, sản lượng thu vào không như mong muốn. Không chỉ vậy, các tỉnh, thành có biển khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự và vướng Chỉ thị 16 trong mùa cá nam, làm việc vận chuyển, tiêu thụ thủy sản khó khăn bội phần.

Theo các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh Bình Thuận, nguồn nguyên liệu đầu vào đã giảm 50% so với trước thời điểm chưa có dịch. Nguyên liệu trong tỉnh thiếu hụt, nhiều công ty phải mua nguyên liệu từ nhiều tỉnh, thành khác như Ninh Thuận, Vũng Tàu, Nha Trang… với chi phí tăng cao nhưng cũng rất khó khăn.

Chị Trần Như Linh - phụ trách quản lý chất lượng Công ty TNHH Thủy hải sản HaiWang cho biết, công ty hiện có 4 kho lạnh trong Cảng cá Phan Thiết với công suất 350 tấn và 1 kho lạnh trong KCN Phan Thiết với công suất 1.000 tấn.

Tuy nhiên, mùa cá Nam năm nay, chúng tôi nhập vào chỉ có 2 - 3 tấn/ngày, giảm 50% so với trước. Và dự báo 3 tháng cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn nguyên liệu tươi cho đơn hàng xuất khẩu. Hiện công ty đang đàm phán với đối tác xin giãn thời gian cung cấp đơn hàng. Nhiều khách vẫn thông cảm, nhưng nhiều đối tác khó tính lại không chấp nhận hợp đồng trễ hẹn. Vì thế công ty đang nỗ lực cho hơn 400 công nhân quay trở lại làm việc để đáp ứng kịp thời các đơn hàng sau hơn 2 tuần duy trì hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”.

Không chỉ nguồn hải sản khai thác thiếu hụt, mà hiện nay, người nuôi trồng thủy sản cũng không dám thả nuôi tiếp bởi sợ ùn ứ sản phẩm, giá cả thủy sản đang giảm mạnh từ 30 - 50%. Nghịch lý căng thẳng là trong khi nông dân không bán được sản phẩm, thì doanh nghiệp lại “đói” nguyên liệu sản xuất. Để các đơn hàng thủy hải sản được cung ứng đúng theo hợp đồng đã ký từ đầu năm, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh phải nỗ lực uyển chuyển nhiều biện pháp, vừa sản xuất vừa phòng chống dịch.

Thời gian qua, khi ổ dịch xuất phát từ Cảng cá Phan Thiết, vài công ty chế biến thủy sản nằm trong cảng cá có công nhân bị dương tính buộc phải ngưng hoạt động thời gian dài, kéo theo các hợp đồng xem như bị hủy. Trong số 97 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, nhỏ hoạt động trong Cảng cá Phan Thiết thì chỉ có 12 doanh nghiệp, cơ sở/522 lao động đủ điều kiện sản xuất “3 tại chỗ” trong thời gian cảng tạm dừng hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Mười Tuyền: Năm nay được xem là năm khó khăn lịch sử đối với những công ty thu mua, chế biến thủy sản. Vì Cảng cá Phan Thiết phát sinh ổ dịch, chúng tôi buộc phải thực hiện công tác “3 tại chỗ”, nên nguồn nguyên liệu (cá nục, bạc má, mực…) công ty thu vào giảm năng suất 50 – 60% so với năm ngoái. Riêng mặt hàng cá ngừ cung cấp cho các đối tác làm đồ hộp, công ty bị sụt giảm đến 80%. Hàng năm, công ty có thể thu gom nguyên liệu cá ngừ khắp cả nước và cung cấp khoảng 3.000 tấn cá ngừ cho các đối tác.

Riêng năm nay, 2 nhà máy lớn nhất chuyên làm cá ngừ đóng hộp xuất khẩu ở Long An đã đóng cửa do dịch, nhiều tỉnh, thành bị vướng Chỉ thị 16, vì thế chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề. 3 tháng cuối năm được xem là mùa thấp điểm, không còn nguồn hàng để cung cấp cho các đối tác chế biến xuất khẩu, mà chỉ có thể cung cấp cho các công ty nội địa với sản lượng rất ít.

Để duy trì sản xuất, cũng như đảm bảo đời sống của người lao động, chúng tôi làm đại lý cho các công ty lớn nhập khẩu hàng thủy sản, sau đó cung cấp cho các đối tác để làm gia công. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều người vì công ty vẫn được hoạt động, công nhân được an toàn…”.

Nguy cơ mất đơn hàng

Nếu không phát sinh ổ dịch từ cảng cá, 500 công nhân của Công ty TNHH Hải Nam (cơ sở nằm trong Cảng cá Phan Thiết) có thể hoạt động hết công suất, 1 tháng có thể đáp ứng khoảng 20 đơn hàng bạch tuộc, mực các loại xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Nhật… Nhưng dịch ập tới, Cảng cá Phan Thiết đóng cửa, công ty phải cố gắng duy trì sản xuất với phương án “3 tại chỗ” cho 192 công nhân.

Ông Nguyễn Hoàng Phương Phú - Quản đốc công ty này chia sẻ: “Vừa lo cho công nhân ăn 3 bữa, chế độ sữa, trái cây trong các bữa ăn phụ, công ty còn hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày/công nhân để khuyến khích, động viên công nhân an tâm làm việc. Kéo theo đó, chi phí để duy trì “3 tại chỗ” tăng 100% so với trước đây, nhưng trong 2 tuần chỉ làm được 5 đơn hàng. Mặc dù công ty đã có văn bản xin các đối tác dời, giãn thời gian giao hàng, nhưng với tình hình này nếu không duy trì sản xuất ổn định, nguy cơ bị mất đơn hàng là rất lớn”.

Theo các công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh Bình Thuận nếu để mất khách hàng, mất thị trường thì phải 3 - 5 năm nữa mới có thể khôi phục lại, thậm chí là mất luôn mà không khôi phục lại được. Theo đánh giá của ngành chức năng, 3 tháng cuối năm nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác sẽ giảm 30 - 40% do vào mùa thấp điểm đánh bắt; từ nuôi trồng như tôm, cá… sẽ thiếu từ 20 - 30%, trong khi đó giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 20%, khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ rơi cảnh bù lỗ.

Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận cùng các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thủy sản qua 3 kênh tiêu thụ. Ngoài ra, để duy trì ổn định hoạt động sản xuất thủy sản, Sở NN&PTNT đã đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT có ý kiến với Bộ Y tế sớm phân bổ lượng vắc xin phòng Covid-19 cho ngư dân, công nhân làm việc trong các nhà máy, doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Đặc biệt, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT có ý kiến với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện các nội dung Nghị quyết 105 của Chính phủ ngày 9/9/2021 về hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Vì nghị quyết này có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tốt, thúc đẩy cho phục hồi sản xuất. Qua đó sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho cơ sở, doanh nghiệp, nhất là những tháng cuối năm khi mà nguồn nguyên liệu là điều kiện tiên quyết, để các doanh nghiệp không bị phá vỡ hợp đồng.