Doanh nghiệp chủ động vượt “sóng lớn”

Theo Minh Dũng/nhandan.vn

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI), Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định tự do thương mại (FTA), trong đó có nhiều FTA chất lượng cao như CPTPP, EVFTA bao trùm nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những thuận lợi mà các FTA này mang lại là thuế quan, môi trường kinh doanh cạnh tranh, hàng hóa giá rẻ, chất lượng,… từ đó tạo ra cơ hội tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường các nước đối tác. Lợi ích mang lại rất lớn, song thách thức đặt ra cũng không hề nhỏ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế từ làn sóng hội nhập sâu rộng nhất từ trước tới nay.

Trên thực tế, tỷ lệ tận dụng các lợi thế của 15 FTA của các doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2021 mới chỉ dừng lại ở mức 33%, trong đó bao gồm cả 4 FTA đã hoàn thành chương trình cắt giảm thuế quan với tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA đạt 69,8 tỷ USD.

Trong hai năm qua, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều rủi ro, bất ổn, thương mại toàn cầu giảm sút, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khả quan. Tuy vậy, yếu điểm lớn nhất trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam là chưa mang tính bền vững, hàng nông-lâm-thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất thô và sơ chế; 86% giá trị hàng xuất khẩu là chế biến chế tạo, nhưng chủ yếu là gia công lắp ráp, vì vậy phần được hưởng chỉ gồm chi phí nhân công, tiền thuê đất, thuế,…

Đó là chưa kể các mặt hàng truyền thống khác của Việt Nam như gạo, hồ tiêu, điều, cà-phê,… được các FTA mở ra cơ hội tham gia sâu hơn trong việc chế biến cho ngành hàng này, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa theo kịp, không đáp ứng đủ điều kiện, yêu cầu. Điều này khiến xuất khẩu của Việt Nam mới lớn về số lượng, chưa thay đổi về giá trị, cơ cấu, tính chất mặt hàng để tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu. Điều đáng nói, xuất khẩu và xuất siêu lại đang phụ thuộc chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp FDI, trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn nhập khẩu giá trị hàng hóa rất lớn.

Đặc biệt, phải chú ý đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của sản phẩm để tránh bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cùng với đó, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng để có chương trình hành động cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong các FTA, giúp xuất khẩu hàng hóa ngày càng bền vững và hiệu quả.

Việc tham gia các FTA là chủ trương đúng đắn bởi trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, muốn phát triển, Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc chơi”. Nhưng nhìn lại xuyên suốt cả quá trình tham gia các FTA có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thật sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội. Vì vậy, để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động vượt “sóng lớn” nhằm khai thác tốt cơ hội từ các thị trường quan trọng như EU, Mỹ,...