Doanh nghiệp đã kịp thời tiếp cận vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế
Các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp dành cho doanh nghiệp (DN) đặc biệt là khu vực DN vừa và nhỏ đang được tung ra từ nhiều tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chinh quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Nguồn vốn này sẽ giúp phần nào cho các DN có thêm nguồn tài chính khắc phục những khó khăn trong thời kỳ hậu dịch bện Covid-19.
Đa dạng nguồn lực tài chính quốc tế
Một cách nhanh chóng trong thời điểm đỉnh của dịch bệnh, tháng 3/2020, ADB công bố gói hỗ trợ trị giá 6,5 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt của các quốc gia thành viên đang phát triển khi ứng phó với đại dịch. ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua việc tái phân bổ từ các dự án đang triển khai. Ngoài ra, ADB cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm các hỗ trợ tài chính và tư vấn chính sách trong tương lai khi điều kiện cho phép bên cạnh gói hỗ trợ tài chính này...
Các DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế để hồi phục sau ảnh hưởng dịch bệnh |
Là một trong các nước thành viên, Việt Nam cũng sẽ nhận được các hỗ trợ từ ADB. Cụ thể, ADB sẽ chia ra các gói hỗ trợ nhỏ bao gồm gần 3,6 tỷ USD trong các hoạt động thuộc kênh chính phủ cho một loạt các biện pháp ứng phó trước những hậu quả về kinh tế và y tế của đại dịch, và 1,6 tỷ USD trong các hoạt động không thuộc kênh chính phủ để hỗ trợ cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thương mại trong nước và khu vực; cũng như các công ty bị tác động trực tiếp.
Cùng với ADB, WB và IFC đã nâng giá trị gói hỗ trợ khẩn cấp lên 14 tỷ USD để giúp các công ty và các quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, IFC sẽ tăng gói hỗ trợ lên tới 8 tỷ USD thay vì mức 6 tỷ theo đề xuất ban đầu để hỗ trợ các công ty tư nhân và người lao động khắc phục đợt suy thoái kinh tế.
Đối với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), sẽ hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh Covid-19, thông qua các khoản tài trợ khẩn cấp được giải ngân nhanh chóng lên tới 50 tỷ USD cho các thị trường mới nổi và thu nhập thấp. Trong số này, 10 tỷ USD với lãi suất 0% sẽ được dành cho các thành viên nghèo nhất.
DN đã kịp thời tiếp cận được nguồn tài chính
Từ phía các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, thông qua các gói tài trợ thương mại với IFC có thể tiếp cận nguồn vốn này để giải ngân các khoản vay trung hạn cho các DN tư nhân đang gặp khó khăn về vốn. Đến nay, 4 ngân hàng ABBank, TPBank, VIB và VPBank là những ngân hàng đã tiếp cận được gói hỗ trợ tổng trị giá 294 triệu USD của IFC để cho các DN vừa và nhỏ vay vốn.
Mới đây nhất, IFC đã cấp một khoản vay trị giá 75 triệu USD cho Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng để duy trì hoạt động phát triển và kinh doanh bất động sản của công ty đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Khoản tài trợ này sẽ giúp công ty thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các khách hàng, nhà cung cấp và nhà thầu trong chuỗi giá trị bất động sản, hỗ trợ duy trì việc làm và góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
DN trong nước là khu vực tạo nhiều việc làm nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh này, các khoản cho vay của IFC sẽ cho phép chúng tôi mở rộng hỗ trợ cho các khách hàng của mình. Điều này giúp tạo nên một hệ sinh thái cộng sinh nơi với các giải pháp tương trợ lẫn nhau để cùng hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau khủng hoảng- ông Gary Tseng, Tổng Giám đốc Phú Mỹ Hưng cho biết.
Ông Vivek Pathak- Giám đốc Khu vực Đông Á- Thái Bình Dương của IFC chia sẻ trong vai trò của của mình IFC luôn phản ứng nhanh nhất có thể để giúp, đảm bảo khả năng chống chịu, thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi đối với các DN trong nước cũng như cho thấy cam kết giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam theo lộ trình tăng trưởng bền vững sau đại dịch. Hơn nữa, hỗ trợ tài chính cho các DN trong thời kỳ khủng hoảng là đặc biệt quan trọng, bởi đây chính là nguồn tạo việc làm chính tại các nền kinh tế mới nổi.