Doanh nghiệp đánh giá cao Luật Hải quan mới


Sau hơn 9 tháng thực hiện, Luật Hải quan 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2015) đã mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp (DN). Thủ tục hành chính thuế giảm đáng kể…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đơn giản hóa thủ tục thuế

Theo đánh giá của bà Đặng Phương Dung, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Thông tư số 38/2015/TT-BTC (Thông tư 38) quy định về thủ tục thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) đã mang lại cải cách đột phá hành chính thuế cho doanh nghiệp (DN).

Bà Đặng Phương Dung dẫn chứng, Thông tư 38 đã bãi bỏ quy định người khai hải quan, người nộp thuế phải nộp các chứng từ cơ quan hải quan đã có hoặc không cần thiết như tờ khai hải quan. Một số văn bản mà trước đây DN phải mất thời gian công sức soạn thảo trình cơ quan hải quan đã được bãi bỏ như văn bản xác định trước mã số, trị giá hải quan; văn bản xác nhận và cam kết của của đại diện DN về việc sử dụng máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế… Thủ tục này đã giảm thiểu được cho DN dệt may 1/3 nhân lực và thời gian thực hiện thông quan lô hàng xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thủ tục nộp chậm thuế đã được tháo gỡ đáng kể. “Chẳng hạn, thực hiện Thông tư 38, DN không phải tích chậm nộp thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sản xuất xuất khẩu (SXXK) và hàng hóa kinh doanh tạm nhập - tái xuất (TN-TX) chuyển tiêu thụ nội địa, việc nộp thuế theo tờ khai mới và phải nộp trước khi hoàn thành thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, không tính chậm nộp. Thuận lợi nữa cho DN là đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu SXXK xuất trả cơ quan hải quan không tính chậm nộp do nguyên liệu không sử dụng SXXK…” - bà Đặng Phương Dung cho biết thêm.

Liên quan đến cải cách hành chính thuế XNK, Cục Giám sát quản lý về hải quan cũng chỉ ra nhưng thuận lợi của Thông tư 38 mang lại cho DN như đơn giản hóa việc thu nộp lệ phí hải quan. Chỉ thu lệ phí hải quan của tờ khai hải quan đầu tiên đối với trường hợp phải tách tờ khai do quá 50 dòng hàng, hoặc một mặt hàng có số tiền thuế vượt số ký tự của ô số tiền thuế trên tờ khai hoặc tổng số tiền thuế của tờ khai hải quan vượt số ký tự của ô tổng số tiền thuế. Không sử dụng hình thức dán tem lệ phí hải quan.

Cũng theo cơ quan hải quan, cải cách mang tính đột phá của Thông tư 38 còn được thể hiện ở chỗ gỡ bỏ quy định thời hạn nộp hồ sơ không thu thuế.

Thông tư 38 không quy định thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế (thực hiện theo nguyên tắc, tổ chức cá nhân đã nộp thuế thì tự quyết định thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế), chỉ quy định thời hạn nộp hồ sơ không thu thuế XNK.

Để phù hợp quy định của Luật Quản lý thuế, Thông tư 38 đã bổ sung quy định về thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau được thực hiện theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.

Tiếp tục cải cách hoàn thiện

Cục Giám sát quản lý về hải quan cho hay, về cơ bản Thông tư 38 đã đáp ứng được yêu cầu cải cách đơn giản hóa thủ tục thuế đối với hàng hóa XNK, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc đã và đang được cơ quan hải quan tháo gỡ.

Cụ thể, để minh bạch, tạo thuận lợi cho DN trong quá trình kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, đối với trường hợp thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế, không thu thuế sau, cơ quan hải quan thực hiện tuần tự các bước công việc sau và trên cơ sở nội dung kiểm tra theo quy định, dừng lại ở bước xác định được kết quả kiểm tra cho thấy hàng đã thực xuất, thực nhập và đáp ứng quy định được hoàn thuế, không thu thuế thì ra quyết định hoàn thuế, không thu thuế.

Trường hợp qua kiểm tra, xác định không thuộc đối tượng được hoàn thuế, không thu thuế thì cơ quan hải quan thông báo cho người nộp thuế biết lý do không hoàn thuế, không thu thuế. Trường hợp qua kiểm tra xác định thuộc đối tượng hoàn thuế, không thu thuế, kê khai của người nộp thuế là chính xác thì cơ quan hải quan ban hành quyết định hoàn thuế, không thu thuế theo kê khai của người nộp thuế chậm nhất trong thời hạn bốn mươi ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế.

Vấn đề nữa đang được cơ quan hải quan xử lý tháo gỡ là thuế GTGT đối với trường hợp không xuất khẩu hàng hóa trong thời hạn nộp thuế. Theo đó, cơ quan hải quan áp dụng quy định, quá thời hạn nộp thuế 275 ngày hoặc trường hợp được gia hạn thời hạn nộp thuế theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 135 Thông tư 38 đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu còn tồn kho chưa đưa vào sản xuất hoặc đã sản xuất sản phẩm nhưng chưa xuất khẩu thì người nộp thuế chưa phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với số nguyên vật liệu còn tồn kho. Người nộp thuế có văn bản gửi chi cục hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu nêu rõ số lượng nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho, thuộc các tờ khai nhập khẩu nào và lý do tồn kho nguyên vật liệu, thành phẩm...Trên cơ sở đó, cơ quan hải quan sẽ giải quyết nhanh chóng thủ tục thuế cho DN...