Doanh nghiệp “đón sóng" đầu tư công

Theo Hương Dịu/haiquanonline.com.vn

Chính phủ đang đưa ra nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian ít ỏi còn lại của năm 2021. Điều này được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực kinh tế, nhất là các doanh nghiệp có những hoạt động liên quan.

Các doanh nghiệp ngành thép được kỳ vọng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ đầu tư công. Ảnh: ST
Các doanh nghiệp ngành thép được kỳ vọng sẽ hưởng lợi mạnh mẽ từ đầu tư công. Ảnh: ST

3 nhóm ngành “đón sóng”

Trong bối cảnh hầu hết các khu vực của nền kinh tế đều ở trạng thái hết sức khó khăn thì đầu tư công chính là “đầu kéo” mà Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan đang ra sức triển khai. Theo Bộ Tài chính, đến hết tháng 10, cả nước đã giải ngân hơn 257.300 tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước, mới đạt gần 56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỷ lệ giải ngân thấp, nên Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại các dự án quan trọng, cấp bách. Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phải công khai kết quả giải ngân. Vì thế, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ tích cực hơn.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), việc thúc đẩy đầu tư công sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế bởi tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% sẽ làm GDP tăng thêm 0,06 điểm %.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, ba nhóm ngành dự báo sẽ "đón sóng" tăng tốc giải ngân đầu tư công gồm vật liệu xây dựng với doanh nghiệp các ngành thép, xi măng, đá cát, nhựa, nhựa đường; ngành thi công với các doanh nghiệp xây dựng, giao thông thông minh, xây dựng điện, vật liệu điện; ngành bất động sản gồm các doanh nghiệp bất động sản dân cư và bất động sản công nghiệp.

Tương tự, các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, một số dự án đầu tư công có tác động tích cực đến thị trường bất động sản đã và dự kiến khởi công trong năm 2021 như sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn I, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, cầu Thủ Thiêm 2 và 3, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suốt Tiên… Những thông tin về quy hoạch giúp giá đất tăng cao, hạ tầng được hoàn thiện giúp thu hút đầu tư nước ngoài là động lực chính cho tăng trưởng của các doanh nghiệp bất động sản.

Phải chủ động để nhập cuộc

Để chuẩn bị đón sóng đầu tư công trong giải đoạn tới, các doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Tín (doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp phụ trợ) ước tính doanh thu quý 4 dự kiến tăng khoảng 24% so với quý III.

Lợi thế sở hữu một hệ thống phân phối đa kênh với hơn 6.000 đại lý ở cả ba miền sẽ giúp doanh nghiệp có thể tăng tốc trong quá trình đưa sản phẩm đến khách hàng trong giai đoạn cuối năm. Không những thế, việc kinh doanh thương mại ván MDF cũng được doanh nghiệp này kỳ vọng hưởng lợi khi thị trường bất động sản bao gồm cả dân cư và công nghiệp khởi sắc từ việc thúc đẩy đầu tư công.

Với những doanh nghiệp lĩnh vực liên quan đến xây dựng, dù có mức tăng trưởng chậm trong quý III/2021 do ảnh hưởng với việc giãn cách xã hội phòng chống dịch, nhưng đều được kỳ vọng có thể bật tăng trở lại trong những tháng cuối năm nhờ động lực đầu tư công.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp thép đều kỳ vọng sẽ hưởng lợi “kép”, từ giá thành do nguồn cung vượt quá cầu trên thế giới và các dự án xây dựng được đẩy nhanh nhờ giải ngân đầu tư công. Các doanh nghiệp lĩnh vực xi măng cũng nhiều khả năng được hưởng lợi tương tự, cùng với việc tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây đã thông báo trúng thầu hai dự án mới tại Hà Nội với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, qua đó nâng tổng giá trị trúng thầu lũy kế từ đầu năm lên 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch của năm 2021 (14.000 tỷ đồng). Đại diện lãnh đạo của Hòa Bình cho rằng, ngành xây dựng sẽ có nhiều cơ hội sau khi đại dịch được kiểm soát, nhất là làn sóng đầu tư công đang được đẩy mạnh để khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Có thể thấy, những cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm nhiều cơ hội được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề là các doanh nghiệp phải có kế hoạch và chiến lược dài hạn để chủ động nhập “cuộc chơi” với đầu tư công, từ đó mới có thể hưởng lợi một cách hiệu quả và lâu dài. Không chỉ giúp nền kinh tế nói chung khôi phục nhanh chóng, mà còn giúp doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, tạo thành vị thế vững chắc và hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.