Hợp lực đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Khối lượng lớn nguồn vốn ngân sách nhà nước cần phải giải ngân cho các dự án đầu tư công từ nay đến cuối năm đòi hỏi Kho bạc Nhà nước (KBNN), chủ đầu tư cũng như các ban ngành liên quan phải hợp lực, phối hợp chặt chẽ với nhau để tháo gỡ vướng mắc, đưa tỷ lệ giải ngân của năm 2021 đạt mức cao nhất.
Nhiều điểm sáng
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2021 nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn khá ì ạch. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 10, cả nước đã giải ngân 257.387 tỷ đồng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (67,25%).
Nguyên nhân làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được Bộ Tài chính chỉ ra như: giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, giá nguyên vật liệu tăng cao, khó khăn trong việc lưu thông hàng hoá, chậm giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, trong tổng thể bức tranh giải ngân vốn đầu tư công vẫn có những điểm sáng với những cách làm hay, thiết thực.
Có mặt tại tỉnh Hoà Bình vào giữa tháng 10, phóng viên Tạp chí Hải quan đã được chứng kiến giai đoạn hoàn thiện cuối cùng của dự án Cầu Hoà Bình 2. Đây là một trong những dự án trọng điểm mang ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội của tỉnh này trong năm 2021. Và đặc biệt hơn, đây là dự án có tiến độ thi công, giải ngân vượt tiến độ tới hơn 1 năm, tức là chỉ 2/3 chặng đường đã hoàn thành.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hoà Bình, dự án Cầu Hoà Bình 2 có tổng mức đầu tư 591 tỷ đồng và trên kế hoạch sẽ triển khai thi công từ năm 2020 đến 2021.
Tuy nhiên, chỉ trong chưa đầy 2 năm, đến thời điểm hiện tại, dự án này đã giải ngân tới 533 tỷ đồng (khoảng 92% kế hoạch) và gần như hoàn thành. Cũng như những dự án khác trên cả nước, công trình này bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, tuy nhiên, với sự sát sao trong công việc cũng như sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, ban ngành liên quan nên dự án đã vượt tiến độ một cách ấn tượng.
"Với dự án này, chúng tôi thực hiện báo cáo khá sát sao. Nếu như bình thường 1 tháng Ban sẽ báo cáo các ban ngành 1 lần nhưng khi có tình huống bất ngờ xảy ra như: giãn cách xã hội, mưa kéo dài, khó khăn về nguyên vật liệu,... chúng tôi ngay lập tức báo cáo để các cấp lãnh đạo tháo gỡ. Đồng thời yêu cầu đơn vị thi công tăng ca bù. Cầu Hoà Bình 2 sau khi đi vào sử dụng sẽ thông từ phường Đồng Tiến sang phường Hữu Nghị, giải quyết triệt để vấn đề tắc nghẽn lưu thông tại cầu số 1", ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Một điểm sáng nữa trong bức tranh giải ngân vốn đầu tư công là tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Theo chia sẻ của bà Hà Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc KBNN Mộc Châu, tính đến giữa tháng 10, tỷ lệ giải ngân ở đây đã đạt 86% kế hoạch. Để đạt được tỷ lệ cao này, suốt thời gian qua, KBNN huyện luôn thực hiện đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư đối chiếu số liệu, triển khai thực hiện ngay khi được giao dự toán.
Về phía chủ đầu tư, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Mộc Châu cho biết, đơn vị này có 321 dự án đang triển khai và thực hiện giải ngân qua KBNN Mộc Châu. Với dịch vụ công trực tuyến, công tác giải ngân vốn đầu tư công được hỗ trợ rất nhiều, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, từ đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
"Hiện tất cả chứng từ chi chủ yếu được thực hiện trên phần mềm và chuyển cho KBNN với thời gian thao tác ngắn, chỉ từ 5-10 phút. Sau đó, trong vòng 1 ngày, đơn vị đã nhận được khoản thanh toán từ KBNN", ông Nghĩa chia sẻ.
Nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Từ nay đến cuối năm thời gian còn rất ngắn trong khi số lượng vốn ngân sách nhà nước cần phải giải ngân là không nhỏ. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành Trung ương và địa phương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ; Công điện số 7036/CĐ-VPCP ngày 30/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
KBNN Trung ương cũng đã yêu cầu toàn ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch; chủ động kiểm soát, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động KBNN và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân năm 2021.
Lãnh đạo KBNN cũng yêu cầu các cơ quan KBNN phải lấy khách hàng là trung tâm, đối tượng phục vụ; tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào tại KBNN mà không rõ lý do. Đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm chậm quá trình chi ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.
Hiện, mỗi KBNN địa phương cũng đã có những cách làm riêng để có thể giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao nhất.
Ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc KBNN Vĩnh Phúc cho biết, KBNN đã thường xuyên nắm bắt tình hình thi công của các dự án và báo cáo lãnh đạo tỉnh những khó khăn vướng mắc tại các công trình, dự án có tiến độ giải ngân thấp. Từ đó phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu tỉnh. KBNN cũng thường xuyên có văn bản đôn đốc chủ đầu tư nhanh chóng nghiệm thu hồ sơ thanh toán để chuyển KBNN giải ngân. Cán bộ KBNN cũng chấp hành nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính về trách nhiệm người đứng đầu trong thi hành công vụ và không để hồ sơ tồn đọng không rõ lí do.
Còn tại tỉnh Hoà Bình, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cũng cho biết, tỉnh này hầu như hàng tuần đều có giao ban tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các dự án để kịp thời triển khai thi công.
Đồng thời phối hợp với trung ương để tháo gỡ cho các dự án ODA. Bên cạnh đó, tỉnh Hoà Bình cũng liên tục có các điều chỉnh số vốn của các dự án gặp khó khăn trong thanh toán, giải ngân để điều chuyển sang các dự án khác. Đây là những biện pháp cơ bản để Hoà Bình có thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.