Doanh nghiệp Đồng Nai vượt khó sau đại dịch

Theo B.Châu (t/h)/dangcongsan.vn

Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 ở khu vực Đông Nam Bộ cơ bản được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp ở Đồng Nai cũng như các địa phương khác trong khu vực đang nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh…, nhất là vào thời điểm cuối năm như hiện nay.

Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất nước. (Ảnh: K.V)
Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất nước. (Ảnh: K.V)

Khó khăn chồng chất khó khăn

Khảo sát khó khăn từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, sau tổn thất do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các doanh nghiệp cần có phương án phòng ngừa rủi ro, xây dựng quỹ phòng ngừa vì bất cứ tình huống gì cũng có thể xảy ra. Nếu không có quỹ này thì doanh nghiệp có thể phải đối mặt với việc phá sản; hoặc có nỗ lực duy trì thì cũng lâm vào tình trạng kiệt quệ nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Trịnh Huấn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Sơn Nguyễn (TP Biên Hòa), hoạt động sản xuất của doanh nghiệp giảm sút 70% so với trước dịch bệnh. Những tháng vừa qua, do ảnh hưởng của dịch, doanh nghiệp đã phải ngưng hoạt động để phòng, chống dịch nhưng chi phí mặt bằng, nhân công, khấu hao máy móc… vẫn phải gồng mình chịu lỗ.

Không chỉ khó khăn về tài chính mà một khó khăn khác, lâu dài hơn là thiếu hụt nguồn lao động. Trước dịch, khó khăn về lao động đã có nhưng sau thời gian hàng chục nghìn lao động trở về quê, việc tuyển dụng người lao động càng khó khăn hơn, doanh nghiệp muốn phát triển hơn cũng khó thực hiện.

Bà Trịnh Thị Uyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phương Sinh (TP Biên Hòa) cho hay, doanh nghiệp này đang có dự định mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng các đơn hàng của đối tác, nhu cầu tuyển dụng lao động lên tới 200 người, nhưng hơn 1 năm nay vẫn giậm chân tại chỗ, nhất là lao động có tay nghề cao lại càng khó tuyển dụng.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo, trong số đó việc khan hiếm nguồn cung nguyên, vật liệu và giá cả hàng hóa đầu vào gia tăng đang làm đau đầu các nhà sản xuất. Một trong những lĩnh vực đang đối mặt với bài toán giá cả gia tăng chóng mặt gần đây là lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các nhà thầu xây dựng.

“Thiếu lao động, thiếu vật liệu để thi công và nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư bị gián đoạn do phải thực hiện giãn cách xã hội chưa phục hồi được. Điều lo lắng là giá vật liệu xây dựng các loại đều tăng khiến cho chi phí thi công công trình cũng đội lên theo. So với năm ngoái, chi phí hiện tại tăng cao lên tới 40% nên các doanh nghiệp cũng rất khó tính toán” - ông Hán Vinh Đạt, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại và dịch vụ xây dựng Vĩnh Phát (TP Biên Hòa) cho biết.

Các doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn gia súc ở Đồng Nai cho hay, giá các loại cám thời gian gần đây vẫn cao hơn khoảng 40% đến 50% so với thời điểm cuối tháng 10/2020. Dự báo giá cám đầu ra từ nay đến cuối năm khó hạ nhiệt do chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình hình dịch COVID-19, chi phí vận tải tăng cao… Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu và giá ở mức cao khiến cho giá sản phẩm đầu ra tăng theo tùy vào loại thức ăn của từng vật nuôi.

Theo ông Châu Minh Nguyện, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai, qua khảo sát các doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội, giá nguyên vật liệu hàng hóa cho sản xuất đang là vấn đề nhức nhối. Không chỉ lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu mà các ngành dịch vụ - thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn. Không ít doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh này lo lắng trong việc đảm bảo nguồn lợi nhuận, cân đối chi phí sản xuất, kinh doanh… Họ đang phải giữ giá đầu ra để giữ mối tiêu thụ, thu hút khách hàng; từng bước khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh khi mở cửa trở lại sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai chia sẻ, giá nguyên vật liệu nhập về phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhiều ngành hàng xuất khẩu trong thời gian tăng một phần do giá cước vận tải biển tăng cao, trong đó tăng mạnh nhất đối với thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu.

Giá cước vận tải quốc tế tăng cao do những tác động từ dịch bệnh COVID-19 từ nhiều tháng trước. Bên cạnh đó, trước đây, do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc sản xuất gián đoạn nên tỷ lệ lưu hàng nguyên liệu tại cảng tăng cao. Cục Thống kê Đồng Nai nhận định, điều này có thể dẫn đến tình trạng giá trị sản phẩm xuất khẩu trong 1 container không bằng chi phí thuê và vận chuyển container (giá cước vận tải tới cảng bờ Đông nước Mỹ trong tháng 9 đã lên tới 18-20 ngàn USD/container), từ đó, sản phẩm đội giá thành, mất đi sự cạnh tranh của hàng Việt trên thị trường quốc tế; đồng thời, cũng kéo theo sự tăng giá của vận tải trong nước.

Theo các doanh nghiệp có hoạt động xuất, nhập khẩu ở Đồng Nai, họ lo lắng thời gian tới sẽ phải cộng thêm chi phí do việc TP Hồ Chí Minh áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức thu 250 nghìn đồng/cont đối với container 20ft, 500 nghìn đồng/cont với container 40ft và 15 nghìn đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container…, cùng với đó, những ngày qua, giá xăng đã tăng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây, khiến áp lực càng tăng cao cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Vượt qua thử thách

Từ ngày 11/10, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, đưa cả nước bước vào trạng thái “bình thường mới” sớm nhất có thể trong năm 2021, đồng thời thích ứng an toàn với dịch bệnh. Mục tiêu trước mắt của nền kinh tế là giữ vững kinh tế vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, tập trung khôi phục sản xuất, chú trọng kết nối lại thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu.

Tại Đồng Nai, từ giữa tháng 10/2021, toàn tỉnh đã dần trở lại trạng thái “bình thường mới”, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Và từ ngày 24/10, việc nới lỏng các điều kiện để các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra được thuận lợi hơn cũng được ban hành. Lãnh đạo tỉnh xác định, khi đã xác định chung sống an toàn trong dịch bệnh thì các hoạt động sản xuất phải được mở cửa. Trong đó, địa phương linh hoạt theo từng điều kiện cụ thể để có những điều chỉnh hợp lý.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, đóng góp của doanh nghiệp là trụ cột để Đồng Nai phục hồi kinh tế. Để trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Đồng Nai đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt giúp nắm bắt tốt hơn các vấn đề phát sinh, vướng mắc của doanh nghiệp trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiện Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lên phương án đưa người lao động từ các địa phương khác về Đồng Nai để tiếp tục tham gia lao động tại các doanh nghiệp.

Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang từng bước thích nghi với tình hình mới và đã có những điều chỉnh về kế hoạch sản xuất, kinh doanh để mở thêm thị trường tiêu thụ hàng hóa ở nội địa và xuất khẩu. Bức tranh kinh tế ngay trong tháng 10/2021 đã có thêm nhiều điểm sáng, khi số lượng doanh nghiệp phục hồi sản xuất tăng nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu tăng khá cao so với tháng trước đó. Dù xảy ra làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 làm hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giảm công suất trong nhiều tháng liền, nhưng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2021 vẫn tăng hơn 15% và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn vốn đầu tư trong nước vẫn vượt kế hoạch năm.

Trong khó khăn nhưng vẫn có những doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới để giữ vững được sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa ở trong nước, nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Thực phẩm G.C (Khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom) tâm sự, thời dịch bệnh, người tiêu dùng trong nước, nước ngoài sẽ ưu tiên mua thực phẩm nhiều hơn và cần các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đóng gói phù hợp và có thể sử dụng nhanh gọn. Do đó, Công ty đã thay đổi mô hình sản xuất để có thể đưa đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm chất lượng, đóng gói số lượng khác nhau từ nhỏ đến lớn và có thể sử dụng ngay. Hàng của công ty xuất khẩu qua hơn 10 quốc gia được nhiều người tiêu dùng đón nhận nên sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá.

Ông Võ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty CP An Phú Thịnh (huyện Long Thành) chia sẻ, trong suốt thời gian diễn ra dịch bệnh, công ty vẫn duy trì được hoạt động sản xuất nên tình hình hiện tại tương đối ổn định. Các sản phẩm găng tay bảo hộ lao động của doanh nghiệp vẫn được cung ứng và xuất khẩu ra thế giới, trong đó xuất khẩu có số lượng lớn. Hiện nay, bên cạnh hợp tác với Tập đoàn Trường Hải để sản xuất tại Nhà máy Găng tay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam), doanh nghiệp này đang có kế hoạch sản xuất và tuyển dụng thêm lao động…

Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Đồng Nai thời gian tới là triển khai hiệu quả, kiểm soát rủi ro về phòng, chống dịch. Trong đó, tập trung vào các vấn đề y tế, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục trong tình hình mới. Bên cạnh đó, địa phương kiến nghị được tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022 - 2025 từ 47% lên 49% để tỉnh này có thêm nguồn lực phục hồi nền kinh tế…

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho hay, Đồng Nai xác định phục hồi kinh tế không chỉ cho địa phương mà phải gắn với cả vùng Đông Nam bộ, cả nước. Đồng Nai đang phối hợp với các địa phương trong vùng hỗ trợ doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết nhanh những vướng mắc, khó khăn về lao động, lưu thông và xuất nhập khẩu.