Lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ đem đến làn sóng FDI mới vào Việt Nam?
Các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp quốc tế như JICA, KOICA, EuroCham, AmCham đều cho biết, doanh nghiệp nước họ đang có sự quan tâm đặc biệt tới phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, đặc biệt sau cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng tại COP 26.
Thu hút FDI trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023 đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nhận định này được làm rõ tại Hội nghị chiều nay (12/9) của Chính phủ khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá,… trong trung và dài hạn.
Cùng với đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.
Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn quá bi quan khi tại Hội nghị, các tổ chức quốc tế tiếp tục cam kết mạnh mẽ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là sau khi chứng kiến những nỗ lực nhằm ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Một điều khá thú vị là trong phát biểu của mình, các tổ chức này đều cho biết, họ đặc biệt quan tâm tới phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, ông Shimizu Akira, Trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá, với tình hình hiện nay, giá năng lượng đang rất căng thẳng, nên cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề này để duy trì được chi phí cũng như giá cả về năng lượng trong dài hạn.
"Chúng tôi nghe nói Thủ tướng đã có hành động, làm việc với doanh nghiệp giải quyết vấn đề này. Đây là hành động rất kịp thời. Chính phủ và các công ty của Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ các dự án, làm sao có nguồn năng lượng ổn định trong tương lai", ông Shimizu Akira nói.
Ông Cho Han DeoG, Giám đốc Quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho biết, thời gian qua, KOICA luôn nỗ lực để góp phần vào các nền tảng phát triển kinh tế của Việt Nam, trong đó có thể chế, năng lực chính sách, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực thích ứng biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tái tạo.
Đại diện KOICA cho rằng, nhiều địa phương của Việt Nam hội đủ các yếu tố để phát triển năng lượng tái tạo. Các công ty Hàn Quốc sẵn sàng và mong muốn đầu tư vào công nghệ xanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có cách biệt từ ý tưởng tới thực hiện ý tưởng đầu tư.
"Chúng tôi đề nghị Chính phủ Việt Nam tổ chức bài bản hơn nữa để giới thiệu các tiềm năng và biến tiềm năng thành hiện thực với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo xu thế thế giới hiện nay là khuyến khích sản xuất xanh", ông Cho Han DeoG nói.
Còn theo ông Alan Cany, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng trong những năm qua rất đáng kinh ngạc. Đặc biệt, cam kết rất mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 năm ngoáisẽ giúp Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, Chính phủ cần có chính sách mới để giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực năng lượng. Cần phải có nguồn ngân sách từ địa phương, Nhà nước và tư nhân.
"Chính sách đầu tư hợp tác công-tư PPP cần được sử dụng hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới và Chính phủ Việt Nam cần mở rộng hơn nữa cơ chế này. Chúng tôi cũng mong muốn có thể tiếp tục đưa thêm những nhà đầu tư năng lượng điện gió, điện mặt trời từ châu Âu đến Việt Nam", ông Alan Cany nói.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã được thăng hạng đánh giá Moodys. "Việc này sẽ giúp Việt Nam thu nhiều vốn đầu tư trực tiếp hơn từ nước ngoài, tin tưởng của các nhà đầu tư. Chúng tôi tin tưởng vào định hướng của Việt Nam", vị đại diện nói và khẳng định, AMCHAM muốn hợp tác với Chính phủ Việt Nam để thu hút thêm đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Đại diện AmCham nhận xét, Việt Nam đang chuyển dần sang năng lượng xanh sạch, do đó cần có cơ chế cho năng lượng tái tạo phù hợp với thị trường. "Ngài John Kerry - Đặc phái viên của chúng tôi về biến đổi khí hậu tuần trước đã có mặt tại đây và đã nói chúng ta cần phải đưa ngành tài chính của khu vực tư nhân vào trong các cuộc thảo luận chuyển đổi sang năng lượng sạch, xạnh. Các công ty của chúng tôi muốn tham gia vào quá trình chuyển đổi này của Việt Nam", đại diện AmCham chia sẻ.