Doanh nghiệp nỗ lực giữ nhịp sản xuất
Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, các DN đều hy vọng dịch bệnh sớm được khống chế để khôi phục lại sản xuất.
Làn sóng dịch lần thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh khiến các DN khá lo lắng. Bởi nếu phòng dịch không tốt, để xuất hiện một vài ca nhiễm trong nhà máy sẽ phải tạm dừng hoạt động. Như vậy, DN thiệt hại nặng nề về doanh thu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm và thu nhập của người lao động.
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch
Ngày 20/7/2021, UBND tỉnh có Văn bản số 8423/UBND- KGVX về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu các DN tùy vào tình hình thực tế áp dụng một trong 3 phương án là “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc linh động áp dụng cùng lúc 2 phương án nêu trên kể từ ngày 22/7/2021.
Tuy nhiên, có những DN đã thực hiện các phương án trên từ cách đây gần 1 tháng nhằm đảm bảo phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất. Đây chỉ là biện pháp cấp bách tạm thời để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, DN rất khó duy trì lâu dài.
Trưởng bộ phận Truyền thông đối ngoại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam Khuất Quang Hưng cho biết, Nestlé Việt Nam có 3 nhà máy ở Đồng Nai, mỗi nhà máy có từ 200-250 lao động. Các nhà máy đã tổ chức cho công nhân lao động ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ từ gần 1 tháng nay để phòng, chống dịch bệnh và duy trì sản xuất. Dù thực hiện rất nghiêm ngặt “3 tại chỗ” và áp dụng 5K nhưng Nestlé Việt Nam vẫn lo lắng, đặc biệt là Nhà máy Nestlé Trị An.
“Nếu Nhà máy Nestlé Trị An tạm dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến Nestlé Việt Nam và cả tập đoàn. Vì đây là nhà máy quan trọng nhất của Nestlé Việt Nam, chuyên cung ứng lượng lớn sản phẩm cho thị trường trong nước và khu vực. Do đó, nhà máy này chỉ cần ngưng sản xuất một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng của tập đoàn ở nhiều nước trên thế giới” - ông Hưng chia sẻ.
Hiện nay, tại Đồng Nai có nhiều tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất và các nhà máy đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn sản xuất khác trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới như: Hyosung, Fujitsu, Schaeffler, Meggitt, Formosa, Kenda, Bosch, Texhong, Vision Group...
Tất cả các tập đoàn trên đều rất lo lắng cho các nhà máy sản xuất trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên rất mong được ưu tiên nguồn vaccine ngừa Covid-19 để tiêm phòng cho người lao động. Có như vậy mới đảm bảo sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng cho nhiều quốc gia không bị “đứt gãy”.
Cố gắng duy trì sản xuất
Trong đợt dịch lần thứ 4, DN lớn gặp “sóng lớn”, DN nhỏ cũng phải đối mặt với hàng loạt rủi ro và nhiều công ty đã phải thu hẹp sản xuất. Với những DN có diện tích nhà xưởng nhỏ, không thể bố trí cho lao động ở lại đành phải cho nghỉ bớt, chỉ duy trì một vài dây chuyền sản xuất quan trọng.
Một số DN cho hay, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh như hiện nay, họ lo khó duy trì sản xuất ổn định, lâu dài. Họ cũng lo lắng đến tình huống nhiều đối tác nước ngoài khi thấy dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu sẽ dời bớt đơn hàng sang những quốc gia nơi dịch bệnh đã tạm lắng. Thiếu đơn hàng, DN sẽ giảm doanh thu, khó phục hồi lại sản xuất, kinh doanh.
Bà Phan Thị Thanh Trúc, Phó tổng giám đốc Công ty CP Gỗ Nhất Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nhiều lao động của Nhất Nam sống ở vùng phong tỏa phòng dịch nên không đi làm việc được, công ty buộc phải giảm công suất khá lớn. Trong thời điểm này, DN cố gắng duy trì sản xuất với hy vọng tỉnh sớm dập được dịch để người lao động trở lại làm việc. Nếu dịch bệnh kéo dài, nhiều đơn hàng sẽ không kịp giao cho khách hàng và họ sẽ tìm đối tác khác, sau này công ty rất khó khăn trong tìm các đơn hàng mới”.
Không chỉ riêng Nhất Nam mà rất nhiều công ty cũng rơi vào tình cảnh như vậy. “Sức khỏe” của DN giảm sút rõ rệt, họ đối mặt với những vấn đề nan giải là đơn hàng có thể bị cắt giảm, không kịp tiến độ giao hàng, chi phí để hoạt động tăng cao. Ngoài giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao, DN còn tốn thêm khá nhiều chi phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng thêm lương để khuyến khích người lao động chấp thuận thực hiện “3 tại chỗ”, lo thêm khẩu phần ăn, nơi nghỉ ngơi cho công nhân lao động. Đồng thời, việc xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần cũng khiến những DN nhỏ mệt mỏi.
Bà Hà Minh Khuyên, Giám đốc Công ty TNHH Cơ điện Triệu Lê ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 cho hay: “Triệu Lê có lao động làm ở một số công trình bên ngoài nên buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính mới đi đến các công trình được. Các dự án đã ký kết hợp đồng từ trước nên giờ chi phí đội lên, công ty phải chịu hoàn toàn. Một trong những gánh nặng cho DN là phải cho công nhân lao động xét nghiệm SARS-CoV-2 mỗi 3 ngày/lần và chi phí khá cao”.
Theo phản ảnh của các công ty, giá xét nghiệm Covid-19 ở một số bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh có sự chênh lệch nhau tương đối nhiều nên mong tỉnh kiểm soát chặt, tránh để một số đơn vị lợi dụng thời điểm khó khăn đẩy giá lên cao, gây thêm gánh nặng cho DN.