Doanh nghiệp nội "bỏ thấp, bắt cao"
Để vượt qua áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) nội tìm cơ hội mới cho chính mình bằng việc đưa ra các ý tưởng mới, sản phẩm công nghệ mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều quan trọng cho xu hướng này – với những sản phẩm mới giá trị cao hơn những sản phẩm cũ giá trị thấp cần được khuyến khích mở rộng ở đại đa số DN trong nước chứ không chỉ đơn lẻ vài DN.
Cuối tuần qua, có hai DN nội ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương để lại ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng Việt khi ra mắt hai dòng sản phẩm mới, mà theo đánh giá là thành quả của một quá trình đổi mới sáng tạo, bỏ những sản phẩm có giá trị qua một bên và hướng đến những sản phẩm ở phân khúc cao hơn.
Không đứng ngoài cuộc đua
Công ty cổ phần Lumi Việt Nam cho ra mắt sản phẩm loa thông minh điều khiển các thiết bị điện trong ngôi nhà bằng giọng nói tiếng Việt ba miền đầu tiên tại Việt Nam. Đại diện công ty cho biết sản phẩm này nhắm vào xu hướng Mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) đang trong giai đoạn khởi phát.
Ông Nguyễn Đức Tài, Tổng Giám đốc công ty Lumi Việt Nam, khẳng định đây là thành quả sau 15 tháng không ngừng nỗ lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt của công ty hợp tác với đội ngũ chuyên gia công nghệ hàng đầu của trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Những thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh như vậy sẽ mang đến tiện ích thực tế và trở thành xu hướng của tương lai. Ngoài thị trường trong nước, công ty cho biết sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm mới này vào các thị trường trên thế giới như: Ấn Độ, Singapore, Thái Lan, Campuchia…
Thứ hai là công ty TNHH Minh Long 1, chính thức ra mắt bộ nồi sứ dưỡng sinh cao cấp bằng công nghệ mới, mà theo lời của nhà sáng lập công ty là ông Lý Ngọc Minh, đó là thành quả sau nhiều năm nghiên cứu và tìm tòi của chính đội ngũ nhân lực Việt tại công ty.
"Với công nghệ và kỹ thuật sản xuất đặc biệt, thành phần từ chất liệu đất hiếm, được tăng cường bức xạ hồng ngoại nên bộ sản phẩm mới này giúp thực phẩm có thể chế biến với nhiều cách thức mới. Đây cũng là sản phẩm có nhiều tính năng vượt trội về việc dưỡng sinh, giảm nguy cơ tích tụ độc tố gây ung thư, giữ được nhiều dưỡng chất cho thực phẩm, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam và trên thế giới", ông Minh chia sẻ.
Còn nói một cách mỹ miều như ông Hùng Võ, cố vấn marketing công ty Minh Long 1, CEO của Redder Advertising, việc cho "ra lò" sản phẩm mới này là cả một cuộc "cách mạng về nồi đất" bằng cả sự tâm huyết tìm tòi, đổi mới sáng tạo của người đứng đầu một DN nổi tiếng là thương Việt hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới trong ngành gốm sứ.
Theo quan sát từ giới chuyên gia, trong cuộc đua trên thị trường nội địa hiện nay, nhiều DN cạnh tranh quyết liệt nhằm giành lấy vị trí cung cấp sản phẩm mới nhất. Và các DN nội nếu mạnh về nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ không đứng ngoài cuộc đua này.
Động lực cho phát triển
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đánh giá những sản phẩm mới, dẫn đầu xu hướng sẽ đem lại cho các DN nội lợi nhuận tốt. Họ xứng đáng để hưởng những thành quả đó vì khách hàng không đặt vấn đề giá cả lên hàng đầu. Điều mà người tiêu dùng cần là ở chất lượng của sản phẩm mới phải thể hiện được giá trị cao tương xứng, đáp ứng được nhu cầu của mình.
"Điều quan trọng ở đây là năng lực của các DN Việt Nam như thế nào trong việc đưa ra các ý tưởng mới, sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường hoặc quy trình sản xuất mới để tăng tính cạnh tranh", ông Dũng đặt vấn đề.
Nhiều cuộc khảo sát trong nước cho thấy DN nội ở những ngành có mức độ cạnh tranh cao có xu hướng thực hiện đổi mới phát triển cũng như ứng dụng công nghệ tiên tiến. Kết quả tất yếu là hiệu quả kinh doanh và con số tăng trưởng ấn tượng cũng như quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.
Việc đổi mới sáng tạo như vậy được nhìn nhận như một động lực cho sự phát triển của các DN Việt hiện nay, khi mà yếu tố mới mẻ, tiện ích trong sản phẩm ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, có một thực tế là thất bại thị trường thường khiến cho nhiều DN nội có thể quyết định không đầu tư vào các hoạt động R&D hoặc không chịu đổi mới công nghệ. Thất bại thị trường ở đây được hiểu là thị trường không có khả năng tạo ra lợi ích kinh tế thỏa đáng từ việc đầu tư vào các hoạt động R&D hoặc đầu tư vào việc đổi mới công nghệ.
Gần đây, việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đã giúp mức độ đa dạng xuất khẩu của Việt Nam tăng lên đáng kể. Các số liệu thống kê cho thấy tính đa dạng xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn có thể so sánh, tương đồng với các nước xuất khẩu Đông Á hàng đầu khác, nhất là sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng gia tăng hàm lượng các hàng hóa chế biến và các hàng hóa công nghệ cao.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm cho phần lớn DN nhỏ và vừa trong nước. Sự gia tăng mức độ phức tạp trong kinh doanh sẽ khiến quy mô thị trường cao hơn và có ảnh hưởng tốt hơn đến việc khuyến khích hoạt động đổi mới của DN, trong khi Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp nhất ở chỉ số về đổi mới sáng tạo trong các nước Đông Á và ASEAN-5.
Để các DN nội giảm bớt việc sản xuất các sản phẩm cũ với giá trị thấp bằng sản phẩm công nghệ mới, có giá trị lớn, nói nôm na là "bỏ thấp, bắt cao", không gì khác bằng chính tự thân DN phải tự thay đổi và sự tự thay đổi này phải trên diện rộng ở đại đa số các DN, chứ không phải đơn lẻ ở vài DN.