Doanh nghiệp phải chủ động chống hàng giả
(Tài chính) Hàng giả, hàng nhái vẫn ngang nhiên hoành hành trên thị trường, từ hàng có giá trị cao tới hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm, văn phòng phẩm. Nhưng điều đáng suy nghĩ là không ít doanh nghiệp, dù biết trên thị trường có hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình vẫn không mặn mà phối hợp với cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý.
Thông tin từ Bộ Công thương: hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đang phải đối phó với nạn hàng giả. Không chỉ sản xuất hàng giả ngay trong nước, nhiều đối tượng còn đặt hàng ở nước ngoài đưa về Việt Nam lắp ráp và gắn nguồn gốc xuất xứ made in Việt Nam.
Các mặt hàng bị làm giả nhiều nhất là rượu, bia, nước giải khát, mỹ phẩm, phân bón, vật tư nông nghiệp, túi xách, thực phẩm. Ngay cả tem chống hàng giả cũng bị làm nhái. Đặc biệt, chỉ riêng bột ngọt, năm qua đã phát hiện, bắt giữ trên 30 tấn hàng giả.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng lo lắng: người tiêu dùng đang phải đối mặt với mê cung vàng thau lẫn lộn, khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Năm ngoái, đơn vị đã tiếp nhận hơn 1.000 trường hợp khiếu nại, tố cáo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt nguy hiểm, trên thị trường hàng giả xuất hiện trong mọi lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng thông thường đến máy móc công nghệ cao...
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Nguyễn Trọng Tín xác định: hàng giả, hàng nhái không chỉ làm giảm uy tín các thương hiệu chính phẩm, làm giảm sút lợi nhuận của nhà sản xuất chân chính, mà còn triệt tiêu động lực sáng tạo của doanh nghiệp và xã hội. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác chống hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Dù các cơ quan chức năng hoạt động tích cực nhưng nếu doanh nghiệp không vào cuộc sẽ khó chống hàng giả hiệu quả.
Theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Trần Đức Vĩnh, nếu doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, làm nhái, không chủ động vào cuộc, hàng giả, hàng nhái càng có cơ hội hoành hành. Doanh nghiệp chưa tích cực hợp tác với các lực lượng chức năng do lo ngại phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, doanh thu, uy tín sản phẩm.
Hơn nữa, một số doanh nghiệp không đủ nguồn lực để tự điều tra hàng giả trên thị trường, phải thuê luật sư, đại diện sở hữu trí tuệ, phải thực hiện giám định để có cơ sở đề nghị các cơ quan nhà nước can thiệp...
Nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ dựa vào cơ quan nhà nước thì sẽ không hiệu quả. Người tiêu dùng phải nâng cao hiểu biết về quyền lợi của mình. Vai trò của Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Không ai hiểu hàng giả hơn doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể biết hàng giả đi đường nào, nhập từ đâu... Cho nên sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ quan chức năng là điều tất yếu.
Trong kinh doanh, nhiều khi sự cạnh tranh không lành mạnh đã dẫn đến việc đưa ra các sản phẩm kém chất lượng để hạ uy tín lẫn nhau, lôi kéo khách hàng, đánh lừa người tiêu dùng. Một số ý kiến cho rằng khi thấy hàng giả, hàng nhái nhưng doanh nghiệp lại ngại đưa thông tin, thậm chí che giấu, không cung cấp thông tin vì lo sợ người tiêu dùng sẽ tẩy chay sản phẩm của họ. Chính suy nghĩ này đã làm cho hàng giả ngày càng lấn át trên thị trường.
Và khi doanh nghiệp đưa ra thông tin không rõ ràng, minh bạch có thể trở thành nguy cơ tạo ra môi trường không lành mạnh, tạo đà cho hàng giả ngày càng phát triển. Trước mắt, nếu doanh nghiệp không vào cuộc chống hàng giả là bất lợi, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.
Về lâu dài, nếu doanh nghiệp không có giải pháp, không quyết liệt chống hàng giả thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều: thương hiệu sẽ mất, uy tín của doanh nghiệp giảm, người tiêu dùng sẽ tẩy chay, doanh nghiệp sẽ mất thị phần, mất thị trường.