Doanh nghiệp tăng mạnh doanh thu nhờ đẩy mạnh bán hàng đa kênh
Không đơn thuần chỉ kinh doanh hàng hóa qua các kênh phân phối truyền thống, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đẩy mạnh bán hàng đa kênh để tăng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thu lợi lớn
Với diện tích gần 50ha trồng điều ở Bình Phước, mỗi tháng, Công ty cổ phần thực phẩm Liên Sanh sản xuất ra hàng chục tấn hạt điều đã được chế biến sâu. Trong đó, số lượng xuất khẩu chiếm khoảng 50%, số còn lại tiêu thụ trong nước.
Trước đây, Công ty chủ yếu bán lẻ qua trang web cá nhân nhưng kết quả không khả quan. Tuy vậy, kể từ khi quyết định đưa hàng vào các hệ thống phân phối hiện đại và các sàn thương mại điện tử đã khiến việc kinh doanh của công ty này đạt nhiều kết quả tích cực.
“Nếu như trước đây, doanh thu bán hàng qua website và các kênh truyền thống, doanh thu chỉ vài trăm triệu đồng thì từ khi kinh doanh trên hệ thống phân phối hiện đại và trên các sàn thương mại điện tử, hiện tại mỗi tháng doanh thu của công ty lên đến vài tỷ đồng”, bà Lê Thị Thanh Hoa, CEO Công ty cổ phần thực phẩm Liên Sanh cho biết.
Thực tế từ Công ty cổ phần thực phẩm Liên Sanh cho thấy, việc đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại không chỉ giúp tăng thu nhập cho người nông dân mà còn góp phần quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, từ tác động của đại dịch COVID-19 các doanh nghiệp Việt hiện nay còn chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển bán hàng đa kênh, đồng thời tự phát triển sản xuất để đưa hàng hóa thực phẩm, tiêu dùng đi thẳng từ sản xuất tới bán lẻ hoặc liên kết cùng nhau đến tận tay người tiêu dùng, giúp giá thành thấp hơn và nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh tốt thị trường bán lẻ vốn có nhiều tiềm năng.
Theo Bộ Công thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước.
Trong 11 tháng đầu năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.180,5 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,9% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6,8%).
Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam dự báo cả năm nay, mức tăng trưởng của bán lẻ dịch vụ sẽ dao động trong khoảng 14-17%. Trong đó, sức mua của người tiêu dùng trong thời gian cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhất, có thể đóng góp 30-40% doanh số cả năm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất tận dụng cơ hội thị trường nếu có được các chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp.
Không chỉ kinh doanh nội địa mà việc kinh doanh đa kênh còn giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực xuất nhập khẩu.
Ông Roger Lou, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam chia sẻ, hiện tại, trên nền tảng Alibaba.com, 50% nhà cung cấp Việt Nam là nhà cung cấp được xếp hạng sao cao, với các ngành cốt lõi bao gồm: thực phẩm và đồ uống, nông nghiệp, nhà và vườn, chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, nội thất, xây dựng, bao bì, nhựa và cao su, máy móc, và các ngành công nghiệp khác.
Hơn 80.000 sản phẩm đã được phát hành và hơn 70.000 yêu cầu từ những người mua đang hoạt động trên khắp thế giới được nhận mỗi tháng.
Tận dụng hiệu quả cơ hội
Bên cạnh những kết quả đạt được trong bán hàng đa kênh thì vẫn còn một số bất cập trong việc đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại cũng như nền tảng thương mại điện tử. Khó khăn này không chỉ đến từ các nhà vườn, hợp tác xã mà còn đến từ chính các doanh nghiệp phân phối.
Theo đó, để có thể đưa hàng vào siêu thị, kênh thương mại điện tử uy tín thì nhà sản xuất cần phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, phải có giấy phép hoạt động kinh doanh, cơ sở được chứng nhận bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đồng thời phải bảo đảm nguồn cung ứng liên tục, duy trì số lượng, chất lượng ổn định...
Như vậy, việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sẽ khó lòng đáp ứng được yêu cầu từ nhà phân phối, và lúc này vai trò của lãnh đạo Sở, ngành ở từng địa phương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là hết sức quan trọng.
Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...
Cùng sự chủ động của doanh nghiệp và địa phương, Bộ Công thương đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kênh bán lẻ hiện đại, sàn thương mại điện tử. Cụ thể, Vụ Thị trường trong nước đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối hàng Việt vào các kênh phân phối hiện đại không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tại nước ngoài.
Nhờ đó, hiện nay, nhiều sản phẩm đã được phân phối hiệu quả trên các kênh phân phối hiện đại. Hiện, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối hiện đại được duy trì ở mức cao như hệ thống của Central Retail là 90% và hệ thống của AEON Việt Nam là 80%.
Trong khi đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành phố và các sàn thương mại điện tử tổ chức hàng loạt chương trình đào tạo, tập huấn và kết nối thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã; đồng thời tổ chức các sự kiện, chương trình đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ các đặc sản của địa phương, góp phần đưa các sản phẩm này đến gần hơn với người tiêu dùng.
Ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) cho hay, thời gian qua, Cục đã phối hợp nhiều đơn vị, Sở, ngành, địa phương hỗ trợ tiêu thụ các đặc sản nông sản lên sàn thương mại điện tử; xây dựng một loạt chương trình cho các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba, Amazon.
“Với các chương trình này, chúng tôi hy vọng doanh nghiệp có thể đón nhận được những cơ hội, tận dụng được những phương thức kinh doanh mới, qua đó nâng cao kỹ năng xúc tiến về mảng thương mại điện tử, thương mại số... để đa dạng hóa kênh phân phối cho doanh nghiệp”, ông Bùi Huy Hoàng nhấn mạnh.