Doanh nghiệp và trách nhiệm bảo vệ môi trường

Công ty Luật PLF

(Tài chính) Hoạt động sản xuất kinh doanh là nhóm hoạt động gây tác động mạnh đến môi trường, do đó trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở ý thức mà còn là nghĩa vụ luật định.

Các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hơn nữa để có thể phát triển một cách bền vững. Nguồn: plf.vn
Các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hơn nữa để có thể phát triển một cách bền vững. Nguồn: plf.vn

Trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp được thể hiện qua những chiến lược và hoạt động cụ thể của doanh nghiệp.

Đối với một số dự án, để được cấp giấy phép đầu tư, xây dựng, khai thác, chủ dự án trước hết phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Nghị định 29/2011/NĐ-CP, gồm một số nhóm như: nhóm dự án về xây dựng; nhóm dự án sản xuất vật liệu xây dựng, nhóm dự án về giao thông; nhóm dự án điện tử, viễn thông; nhóm dự án về cơ khí, luyện kim; nhóm dự án chế biến nông sản,…

Tùy thuộc vào nội dung của dự án mà cơ quan có trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường có thể là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Những dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc danh mục trên thì có trách nhiệm cam kết bảo vệ môi trường và đăng ký bản cam kết với Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã.

Sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận, cũng như những quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường. Việc thực hiện của doanh nghiệp sẽ có sự kiểm tra, thanh tra định kỳ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  Nếu phát hiện hành vi vi phạm,doanh nghiệp sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu có hành vi thực hiện không đúng và đầy đủ theo cam kết bảo vệ môi trường; bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với các hành vi phạm các quy định về đề án bảo vệ môi trường, tùy thuộc vào mức độ hành vi vi phạm. Ngoài ra, một hành vi có thể vi phạm nhiều quy định,vì vậy cũng có thể bị xử phạt ở nhiều nội dung khác nhau.

Mặc dù mục đích cuối cùng của doanh nghiệp vẫn là lợi nhuận, tuy nhiên các doanh nghiệp cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường hơn nữa để có thể phát triển một cách bền vững.