Doanh nghiệp Việt cần chủ động phòng vệ thương mại
Trên thực tế, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng liên tục, với tốc độ cao trong nhiều năm qua và tạo được ấn tượng tốt trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện không hề suôn sẻ hoàn toàn khi nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn đang phải đối phó với các vụ khiếu kiện thương mại, gây những thiệt hại đáng tiếc.
Tình hình đáng quan ngại
Số vụ tranh chấp thương mại, dẫn đến khiếu kiện đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, xét cả trên bình diện quốc tế và Việt Nam. Một thực tế đáng lo ngại là, số vụ DN Việt Nam bị đối thủ nước ngoài phát đơn khiếu kiện luôn nhiều hơn số vụ kiện DN nước ngoài.
Việc “bị người ta kiện nhiều hơn đi kiện người ta” là một vấn đề nan giải, gây thiệt hại một cách không đáng có và đẩy nhiều đơn vị vào tình thế bị động.
Nguyên nhân chủ yếu là do không ít DN Việt Nam thiếu kinh nghiệm về quản lý, quản trị kinh tế nên không làm chủ được các tình huống phát sinh trên thương trường. Nhiều DN đến nay vẫn chưa có nguồn nhân sự đủ chuyên nghiệp và trình độ để giải quyết tranh chấp thương mại với đối thủ quốc tế, cũng như chưa thành lập bộ phận chuyên biệt để đảm trách vấn đề pháp lý nói chung.
Ngoài ra còn tốn kém về tài chính và thời gian do việc tìm hiểu, thu thập thông tin, chứng cứ về vi phạm của DN nước ngoài không hề dễ dàng. Chưa kể DN Việt Nam phải thuê tổ chức chuyên nghiệp để thực hiện việc khởi kiện của mình và chờ sự phán quyết của cấp có thẩm quyền.
Đơn cử, giữa năm 2016, các DN Việt Nam đứng đơn đề nghị Bộ Công thương điều tra về tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, củng cố hồ sơ, đối chiếu thông tin, tham vấn... phải đến tháng 5 vừa qua, Bộ Công thương mới quyết định áp dụng biện pháp tự vệ dưới hình thức hạn ngạch.
Tính chung, đến nay DN nước ngoài đã thực hiện khoảng 100 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với DN và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, DN Việt Nam mới chỉ mới phát động 8 vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó có 5 vụ tự vệ là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện (còn có hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp, nhưng phức tạp và khó tiến hành hơn).
Như vậy, đây là câu chuyện dễ đề cập, nhưng không hề dễ giải quyết, DN Việt gặp khó và bị động trong việc tự bảo vệ mình là một thực tế đáng suy ngẫm.
Cần sự kết hợp, nỗ lực đồng bộ
Các chuyên gia nhận định, khi hoạt động giao thương toàn cầu càng sôi động, thì càng dễ nảy sinh các tranh chấp thương mại, dẫn đến gia tăng số lượng DN ở nhiều quốc gia tiến hành các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của mình.
Đó là cách thức ứng xử dễ hiểu trong kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề đặt ra là làm gì để cân bằng, làm chủ tình hình, bảo vệ quyền lợi của DN trong nước cũng như giảm thiểu sự thiệt hại không đáng có trong thời gian tới.
Trước thực tiễn trên, Bộ Công thương đang chủ động theo dõi tình hình, nâng cao mức cảnh giác trong việc cảnh báo khả năng xảy ra khiếu kiện, nhất là hỗ trợ, DN trong nước khi có sự tranh chấp. Nội dung này cũng sẽ được lưu ý trong các hoạt động đối thoại, bàn thảo, đặc biệt là công tác đàm phán về quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền sẽ được tăng cường để thúc đẩy các DN tự tìm hiểu, đề ra phương án phù hợp nhằm đối phó với các vụ kiện, tranh chấp thương mại của DN nước ngoài.
Ngoài ra, sở công thương các địa phương cần nâng cao vai trò quản lý, sát cánh cùng DN nhằm phổ biến kiến thức, cung cấp thông tin và chủ động đề cập những nguy cơ có thể phát sinh tranh chấp để cảnh báo và bảo vệ DN.
Ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, mỗi DN cần đổi mới tư duy theo hướng linh hoạt, cập nhật diễn biến đang thay đổi nhanh chóng trên thị trường thế giới; nhất là đối với các đơn vị trực tiếp sản xuất hàng tiêu dùng, cơ kim khí, chế biến thủy sản-vốn có nhiều nguy cơ bị khiếu kiện. DN cũng nên chủ động nghiên cứu phương án dự phòng để sẵn sàng đối diện, xử lý tình huống bị khiếu kiện.
Các chuyên gia cũng nhất trí với gợi ý là, khi có vấn đề có thể phát sinh nguy cơ gây tổn thất cho mình thì DN trong nước cần nhanh chóng tham vấn, cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý, đề xuất hiệp hội ngành nghề phối hợp hành động; thậm chí sẵn sàng khởi kiện DN nước ngoài để bảo vệ mình.