Doanh nghiệp Việt hấp dẫn nhà đầu tư ngoại trong hoạt động M&A

Theo Ngọc Hà/enternews.vn

Việt Nam đứng đầu danh sách với 20 công ty tiềm năng được các nhà đầu tư Hàn Quốc "nhắm" đến tại thị trường Đông Nam Á, tiếp sau đó là Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.

Có thể thấy niềm tin rất lớn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nguồn: Internet
Có thể thấy niềm tin rất lớn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Nguồn: Internet

Đáng chú ý xu hướng này sẽ tiếp tục được duy trì trong tương lai. Đây là nội dung được đưa ra trong Báo cáo Mua bán & Sáp Nhập châu Á Thái Bình Dương 2019.

Điều này được thể hiện ở hàng loạt các thương vụ M&A từ nhà đầu tư Hàn Quốc dồn dập được thực hiện. Mới đây nhất phải kể đến Tập đoàn SK – Doanh nghiệp lớn thứ 3 của Hàn Quốc đã đồng ý mua 6,1% cổ phần của tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, với giá 1 tỷ USD. Ngoài ra, Samsung SDS đã cam kết mua 25% cổ phần của CMC, một trong những nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin hàng đầu của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, theo Korea Times, các công ty bảo hiểm Hàn Quốc đang chú ý đầu tư vào thị trường mới nổi Việt Nam. Như trường hợp Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Samsung cũng đang đàm phán với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt để mua một phần cổ phiếu.

Cũng liên quan đến hoạt động M&A, bên cạnh các nhà đầu tư Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất tại thị trường Việt Nam. Trong đó, có thể kể đến như Công ty sản xuất thương mại Mitsui & Co đã thỏa thuận với Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú để mua 35,1% vốn chủ sở hữu của Minh Phú. Trong khi đó, Công ty TNHH Dược phẩm Taisho đã chi thêm 3,4 nghìn tỷ đồng (tương đương 147,8 triệu USD) để mua gần 67% Công ty Cổ phần Dược phẩm DHG.

Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện 585 giao dịch góp vốn và mua cổ phần và có tới 430 dự án đầu tư vào năm 2018.

Trong một cuộc đua vào thị trường M&A Việt Nam, dường như các nhà đầu tư Singapore cũng không muốn chậm chân. Còn nhớ, trong lần chào bán công khai lớn nhất năm ngoái là của nhà phát triển bất động sản cao cấp Vinhomes, Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC Pte) đã mua cổ phần. Thỏa thuận này đã khiến Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại thị trường M&A Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.

Lý giải về xu hướng của hoạt động M&A này, theo báo cáo mua bán và sáp nhập châu Á Thái Bình Dương 2019 từ Công ty Luật toàn cầu Herbert Smith Freehills, các nhà đầu tư nước ngoài mua lại một doanh nghiệp hiện có ở Việt Nam là một con đường nhanh hơn để tiếp thị trườngViệt Nam so với việc thành lập một dự án từ đầu tư. Điều này đã được thúc đẩy bởi hoạt động cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, Việt Nam cũng đã cải thiện hành lang pháp lý bằng việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, và tăng tự do hóa. Đồng thời giúp các quỹ, các nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào hoạt động đầu tư và tăng quyền sở hữu trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài ra, Báo cáo này cũng chỉ ra, triển vọng chung cho nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tích cực trong năm 2019. Theo đó, Việt Nam tiếp tục là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn ở Đông Nam Á, nhờ kinh tế tăng trưởng cao, thị trường tiêu dùng rộng lớn và mở rộng, vị thế là một trung tâm sản xuất được củng cố.

Theo đó, các ngành được dự kiến sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại trong hoạt động M&A sẽ là các ngành như năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng, bán lẻ, khách sạn và du lịch, và logistics.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch và CEO KPMG Việt Nam, nhận định, sau hàng loạt các thương vụ M&A như vậy có thể thấy niềm tin rất lớn vào Việt Nam từ các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Xu hướng M&A "nở rộ" là nhờ hoạt động nới room cho nhà đầu tư ngoại lên tới 100% hoặc nắm kiểm soát các công ty Việt Nam, như thỏa thuận Sabeco từ Thái Lan.

Ngoài ra, ông Warrick Cleine cũng cho rằng, triển vọng trong hoạt động M&A của các nhà đầu tư nước ngoài còn phản ánh niềm tin vào kinh tế vĩ mô, vị trí địa chính trị, hoạt động quản lý và các loại hình doanh nghiệp Việt Nam.