Đầu tư vào cửa hàng tiện ích:

Doanh nghiệp Việt làm sao để “làm chủ trên sân nhà”

Theo enternews.vn

Trước tốc độ tăng trưởng tới chóng mặt của các cửa hàng tiện ích của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp trong nước cũng đang “rục rịch” đẩy mạnh đầu tư vào loại hình này.

Năm 2016, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% thị phần bán lẻ ở phân khúc cửa hàng tiện lợi. Nguồn: internet.
Năm 2016, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% thị phần bán lẻ ở phân khúc cửa hàng tiện lợi. Nguồn: internet.

Theo báo cáo về tình hình thương mại của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% thị phần bán lẻ ở phân khúc cửa hàng tiện lợi. Điều này lý giải vì sao người tiêu dùng dễ dàng nhận ra các thương hiệu FamilyMart, Bsmart, Ministop, Circle K, Shop & Go.

Tuy nhiên, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường bán lẻ hiện đại (kênh cửa hàng tiện ích, minimart) ở Việt Nam vẫn còn nhiều khoảng trống với mật độ một cửa hàng phục vụ cho 69.000 người. Vì vậy, kênh cửa hàng tiện ích, minimart được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt chuyển hướng đầu tư

Trước sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng của các cửa hàng tiện ích có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp nội cũng rục rịch” chuyển hướng sang loại hình này.

Thêm vào đó, việc dễ dàng tìm mặt bằng, chi phí mở cửa hàng tiện lợi rẻ, dễ kiểm soát hàng hóa, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng so với siêu thị và siêu thị mini là những lý do “chính đáng” để doanh nghiệp Việt đẩy mạnh việc mở các cửa hàng tiện lợi.

Đi đầu trong việc đầu tư mở rộng các cửa hàng tiện ích là Công ty Vincommerce thuộc Tập đoàn Vingroup với việc mở loạt hệ thống cửa hàng Vinmart+. Bắt đầu từ những cửa hàng đầu tiên vào tháng 11/2014, chỉ sau 2 năm, Vinmart+ đã đạt tới con số gần 1.000 cửa hàng trên cả nước. Tính trung bình cứ mỗi một ngày có khoảng 2 cửa hàng Vinmart+ ra đời.

Trong năm 2017, Vingroup dự kiến mở thêm khoảng 70-80 siêu thị Vinmart cùng khoảng 1.500  cửa hàng Vinmart+, đặc biệt là sẽ bắt đầu phát triển hệ thống trung tâm thương mại (trong đó có các siêu thị Vinmart, VinPro, VinDS…) về các huyện lỵ để tăng độ phủ của mạng lưới. Kế hoạch của 2017 là Vinmart và Vinmart+ phải có mặt được ít nhất 30 tỉnh thành.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cho biết, trong năm 2017 sẽ đầu tư mạnh để đưa tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh lên con số 350. Mỗi cửa hàng Bách hóa xanh sẽ được xây dựng như một siêu thị mini, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của các hộ gia đình với thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng.

Cùng tham gia vào phân khúc này, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile. Tiêu chí của hệ thống này là diện tích kinh doanh linh hoạt, từ 20m2 đến 200m2, đặt trong những khu dân cư nội, ngoại thành. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc. Đặc biệt chuỗi cửa hàng này còn có những dịch vụ tiện ích như thu hộ cước điện thoại di động trả sau, cước điện thoại cố định, truyền hình cáp…

Trong khi đó, Satra Foods đang phát triển mạng lưới cửa hàng tiện ích với hệ thống 105 cửa hàng. Các cửa hàng ngày càng được nâng cấp, cách trưng bày, sắp xếp các mặt hàng thực phẩm tươi sống trên các kệ gỗ khá bắt mắt, thân thiện.

Tuy rất muốn mở rộng mạng lưới phân phối nhưng vấn đề các doanh nghiệp (DN) Việt đang gặp phải là kỹ năng quản trị cửa hàng nhỏ, đồng thời khó tìm kiếm mặt bằng phù hợp. Ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), cho biết hiện các tập đoàn bán lẻ đang săn lùng những mặt bằng có vị trí đẹp nên giá thuê bị đẩy lên rất cao. Nếu cứ chọn thuê mặt bằng 100 triệu, 80 triệu đồng/tháng trong khi doanh thu một tháng chỉ 10-15 triệu đồng thì không ổn.

Muốn phát triển phải tính hiệu quả kinh tế. Do đó chúng tôi luôn thận trọng trong tìm địa điểm, cân nhắc mở cửa hàng nào là chắc ăn chứ không chạy theo số lượng. Satra mở các cửa hàng chậm hơn so với các đơn vị khác là như vậy” – ông Bắc chia sẻ.

Làm sao để “làm chủ trên sân nhà”

Mô hình cửa hàng tiện ích đang có sức hút mạnh, tốc độ tăng trưởng của loại hình này nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của siêu thị cũng như các loại hình bán lẻ khác.

Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, kinh tế phát triển, xu hướng mua sắm của người dân là sản phẩm sạch, đảm  bảo, an toàn và tiện lợi chứ không như ngày trước phải vào các siêu thị lớn mua hàng. Ngoài ra, mở các cửa hàng tiện ích, minimart sẽ phù hợp với các DN Việt Nam hơn khi mà đang bị yếu thế về vốn, nhân lực quản lý còn yếu kém. Các DN làm tốt được điều đó cũng chính là đang học cách đi thành công của các DN nước ngoài.

Vì vậy theo ông Phú, doanh nghiệp trong nước cần tự thân khắc phục những điểm yếu bằng năng lực vốn có của mình, nhận thức một cách tự giác trong liên doanh liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển, không làm ăn chụp giật, kinh doanh phải vì lợi ích của xã hội và người tiêu dùng. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, vận hành các siêu thị một cách chuyên nghiệp và có văn hóa, chấp nhận cạnh tranh và hợp tác, học tập những điểm mạnh của các DN FDI để tự hoàn thiện mình.

Các DN đã liên doanh, liên kết hoặc bán 1 phần vốn cho các DN nước ngoài cần tỉnh táo điều hành, nắm thông tin chính xác, chủ động trong quản trị DN nhằm nắm bắt những kinh nghiệm tiên tiến của các DN nước ngoài để từng bước phát triển, không bị thôn tính mất thương hiệu vì những lý do chủ quan gây nên.

Nhà nước cần có những quy định và hỗ trợ các DN bán lẻ Việt Nam phát triển. Đặc biệt, hỗ trợ một số địa phương xây dựng một số tập đoàn bán lẻ hiện đại đủ sức cạnh tranh trên thị trường với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam. Tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, chất lượng ổn định, đủ cung ứng cho thị trường bán lẻ nói chung và các siêu thị trong cả nước, bởi vì nếu không có một nền sản xuất mạnh mẽ thì không bao giờ có thể có một ngành công nghiệp bán lẻ phát triển vững chắc và đủ sức cạnh tranh được“, ông Phú cho nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, cái khó nhất của cửa hàng bán lẻ nhỏ là tổ chức cung ứng hàng hóa, logistics và quản trị. Vấn đề này thì DN có vốn đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hơn DN Việt, bởi họ vừa có chuỗi cửa hàng tự đầu tư, vừa có kinh nghiệm trong nhượng quyền cửa hàng.

Theo ông Hòa, DN phải phát triển nhiều cửa hàng mới giảm được chi phí quản trị, vận hành. Vì vậy giai đoạn đầu DN phải chấp nhận chịu lỗ để mở rộng mạng lưới phân phối. “Về quản trị và sử dụng lao động, theo tôi DN phải kết hợp vừa đầu tư cửa hàng vừa đẩy mạnh việc nhượng quyền, phát huy tính gọn nhẹ trong quản lý, điều hành cửa hàng. Để phát triển mô hình này hiệu quả, phải giải quyết đồng bộ được bài toán trên” – ông Hòa nhấn mạnh.

Liên quan đến khó khăn về mặt bằng, TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, phân tích: “Địa điểm bây giờ phải hiểu nghĩa rộng hơn. Hãy xem người tiêu dùng bây giờ, bao nhiêu người chỉ ngồi ở văn phòng hay ngồi ở nhà mua hàng. Không hẳn cứ địa điểm tốt là kinh doanh được mà phải chủ động tiếp cận khách hàng (như bán hàng qua mạng, giao hàng tận nơi…). Như vậy phương thức kinh doanh sẽ thắng địa điểm đẹp” – ông Khương nhấn mạnh.