Doanh nghiệp Việt Nam – Hoa Kỳ tìm cơ chế hợp tác mới
Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) ủng hộ con đường hướng tới Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam đang nỗ lực xúc tiến hàng loạt hoạt động hợp tác thương mại - đầu tư để đưa Mỹ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam như kỳ vọng lâu nay giữa 2 quốc gia.
Thông điệp này một lần nữa vừa được nhấn mạnh tại Hội nghị “Viễn cảnh Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 và những năm tiếp theo”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) và Hiệp hội Thương mại tại Hoa Kỳ vừa tổ chức.
Đông đảo các nhà đầu tư hàng đầu của Hoa Kỳ đã có mặt tại hội nghị, trong đó có các tên tuổi lớn trên thế giới như Pfizer, Johnson& Johnson, Cocacola, Master Card, Citi Bank, Uber, Microsoft…
Trong bối cảnh Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP, cộng đồng doanh nghiệp của quốc gia này đang nỗ lực tìm ra những cách thức mới mẻ và sáng tạo để giải quyết vấn đề tiếp cận thị trường cũng như các vướng mắc khác mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ gặp phải. Đối với Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định hai bên cần hợp tác trao đổi để có được những phương pháp cụ thể, trong đó có triển vọng đạt tới 1 hiệp định thương mại tự do song phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, Việt Nam đang tập trung thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 với mục tiêu tăng trưởng xanh gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển bền vững nhằm sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Chia sẻ về những bước tiến của Việt Nam trong thời gian qua, Chủ tịch nước cho biết, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, góp phần huy động, phân bổ và sử dụng ngày càng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực và khoa học - công nghệ, cũng như huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hiện nay, Việt Nam vẫn kiên định thực hiện 3 đột phá lớn gồm tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thực hiện chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD và quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD.
Cùng với đó, Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng với trọng tâm là hội nhập kinh tế và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam đã ký kết 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tích cực đàm phán để ký kết 4 FTA khác.
Hiện đang có nhiều tập đoàn đa quốc gia đầu tư, kinh doanh thành công ở Việt Nam, trong đó có các tập đoàn của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xếp thứ 9 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, với hơn 800 dự án, tổng vốn đầu tư 10,2 tỷ USD, tính đến hết tháng 3/2017.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ không ngừng tăng trưởng, từ 15 tỷ USD năm 2008 lên 52 tỷ USD năm 2016. Năm 2016, xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2015.
Trên nền tảng hợp tác thương mại - đầu tư đã xây dựng được, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ về kỳ vọng sắp tới đối với đối tác quan trọng này.
Về lĩnh vực đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và có thể tạo điều kiện để các doanh nghiệp 2 nước cùng phát triển, như năng lượng - dầu khí, kết cấu hạ tầng, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, du lịch...
Về lĩnh vực thương mại, dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn. Các doanh nghiệp Việt Nam mong muốn xuất khẩu sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm gỗ, các mặt hàng dệt may, điện tử, hàng tiêu dùng… nhiều hơn nữa sang Hoa Kỳ và nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao phục vụ nhu cầu kinh tế của Việt Nam.
Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam. “Chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm các cam kết để các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng, đầu tư, kinh doanh thành công, bền vững, lâu dài ở đất nước chúng tôi”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cam kết.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, dù có TPP hay không, Mỹ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và quan hệ với các doanh nghiệp Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Ông chia sẻ, trong con mắt của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư an toàn và triển vọng nhất trong ASEAN.
87% các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang kinh doanh ở Việt Nam kỳ vọng rằng năm tới lợi nhuận của họ sẽ tăng lên; 72% doanh nghiệp đánh giá môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam đang cải thiện tích cực; và trên 40% doanh nghiệp đang kinh doanh ở Việt Nam có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là tỷ lệ cao nhất trong các nước ASEAN và có thể nói quan hệ Việt Mỹ đang trên đà phát triển hết sức mạnh mẽ.
Kỳ vọng mới cũng đang được mở ra ngay tại hội nghị này với việc ký biên bản ghi nhớ về thuận lợi hoá thương mại giữa hai bên. “Tôi tin rằng Chính phủ 2 nước sẽ bằng mọi cách có được cơ chế hợp tác để mở đường và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nền kinh tế.
Tôi hy vọng triển vọng kết nối giữa doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam thời gian tới sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn. Hoa Kỳ sẽ đi đầu trong việc thiết lập mạng kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Amcham tin tưởng rằng xu hướng tăng trưởng trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam sẽ được tiếp tục củng cố thêm. Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP, Amcham ủng hộ con đường hướng tới Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng cường thương mại và đầu tư giữa 2 nước, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế và cơ hội làm việc cho nhân dân 2 nước.