Doanh nghiệp Việt phải thoát khỏi “ao làng”
“Doanh nghiệp phải biết “bơi” ra biển lớn” hay “thay đổi và phát triển bền vững” là những cụm từ đang được giới chuyên gia kinh tế nhắc nhở các doanh nghiệp Việt nếu muốn đẩy mạnh đầu tư ra thị trường nước ngoài, vươn tầm ra các châu lục để đón sóng TPP và các FTA.
Tại hội thảo “TPP – Cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp Việt” diễn ra mới đây ở Tp.HCM, chuyên gia kinh tế Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Chương trình Giảng dạy Fulbright, có đặt vấn đề, ngoài TPP thì nền kinh tế thế giới đang theo xu hướng có những siêu hiệp định thương mại (FTAs) vượt ra khỏi khuôn khổ WTO theo liên kết hàng ngang hoặc hàng dọc.
Doanh nghiệp “tự bơi”
Vấn đề mà chuyên gia Phạm Duy Nghĩa muốn đặt ra trước bối cảnh như vậy là ai được hưởng lợi? Muốn được hưởng lợi thì doanh nghiệp Việt phải làm gì? các FTAs có thể giúp gì cho doanh nghiệp Việt thúc đẩy cải cách trong nước khi vẫn còn ngập ngừng? rào cản nào cản trở doanh nghiệp trong nước?
Theo phân tích của ông Nghĩa, rào cản lớn với doanh nghiệp nội địa chính là “niềm tin”, một vấn đề gây phân vân là dựa vào luật hay dựa vào quan hệ. Bởi vì kết quả khảo sát gần đây cho thấy có đến 70% doanh nghiệp phải làm việc thường xuyên với giới chức sắc. Bởi vì doanh nghiệp sẽ không làm ăn được nếu không quan hệ tốt với chính quyền.
Nhận định của giới chuyên gia kinh tế cho rằng điều khiến doanh nghiệp nội địa khó phát triển được vẫn là do thể chế, chính sách.
Về thực chất, các FTA là những luật chơi mới được đặt ra trong bối cảnh mới. Do đó, TPP sẽ không có hiệu quả trước mắt nếu như doanh nghiệp nội và Nhà nước không cùng nhau cải cách.
“Doanh nghiệp phải biết tự bơi từ ao ra sông rồi tiến đến biển lớn. Còn nếu không sẽ tràn ngập các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Doanh nghiệp cần phải được “cởi trói” để tận dụng hội nhập. Doanh nghiệp nội sẽ phát triển nếu giới chủ độc lập. Vì vây, hội nhập phải bắt đầu từ trong nước” – chuyên gia Phạm Duy Nghĩa lưu ý.
Trên thực tế, việc cần làm hiện nay, theo giới chuyên gia kinh tế, là tạo nền móng vững chắc để các doanh nghiệp tự tin hơn khi bước vào khu vực thương mại đa phương rộng lớn. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt hứng thú với cơ hội vàng cho đầu tư hiện nay ra nước ngoài trước các FTA.
Theo nhận định gần đây của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư, _hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống mà còn mở rộng sang các quốc gia khác. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam đã có tính đa dạng hơn so với thời gian trước, về cả thị trường đầu tư lẫn lĩnh vực đầu tư.
“Cơn bão” cơ hội ?
Về lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam tập trung đầu tư vào ngành khai khoáng là nhiều nhất. Tiếp theo là ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Đây là những lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh.
Ngoài ra, những năm qua, các doanh nghiệp Việt còn đầu tư sang nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như: thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Tuy vậy, khi nhận định về cơ hội đầu tư của doanh nghiệp Việt để đón sóng TPP, luật sư Nguyễn Hoàng Tranh, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn East West, đã chỉ ra điểm hạn chế của các doanh nghiệp nội địa hiện nay là vẫn lấy công làm lời, không có chiến lược và tầm nhìn lớn.
“TPP là một cơn bão cơ hội. Nhưng khi muốn đầu tư ra nước ngoài, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng, gia tăng nội lực và uy tín, nếu không sẽ bị thổi bay. Nếu doanh nghiệp làm ăn chụp giật thì dù muốn đầu tư ra nước ngoài cũng sẽ không bao giờ làm được. Doanh nghiệp Việt cần phải hiểu văn hóa kinh doanh của nước ngoài ” – ông Tranh nói thẳng.
Cũng theo luật sư Tranh, doanh nghiệp cần làm thương hiệu quốc tế, được khách hàng quốc tế tin cậy thì mới phát triển được. Doanh nghiệp cần phải hiểu nguyên tắc của luật chơi, dùng những ưu điểm của mình để liên kết phát triển.
Theo ông Nguyễn Quang Thuận, Tổng giám đốc công ty tài chính Stoxplus, trong TPP, có hai nội dung quan trọng là xuất xứ hàng hóa và cắt giảm thuế quan. Lâu nay, người ta chỉ thấy cơ hội của những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, kể cả Trung Quốc và Đài Loan. Câu hỏi đặt ra là cơ hội cho các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tại sao lại rộng mở như vậy, còn các cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Việt thì sao?
Chuyên gia Phạm Duy Nghĩa chia sẻ: “Chẳng ai dọn cỗ cho người khác đến xơi. Nếu doanh nghiệp Việt muốn vào biển lớn mà tay chân bị “trói” thì rất khó có cơ hội để hội nhập”!
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM nhấn mạnh thêm rằng doanh nghiệp nội phải liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để lớn nhanh hơn.