Nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại nhằm nâng cao đời sống nông dân, phát triển đất nước là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Qua đó, khẳng định nông nghiệp không chỉ đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà đang dần trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới; đời sống người dân không ngừng được nâng cao, kinh tế nông thôn phát triển tích cực... Tuy nhiên, đến nay, kinh tế nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa phát huy hết hiệu quả và cần tiếp tục có nhiều giải pháp mới triển khai quyết liệt đồng bộ hơn nữa trong thời gian tới.
Chuyển biến tích cực của kinh tế nông nghiệp Việt Nam
Trong những năm qua, kinh tế nông nghiệp có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời, là cơ sở quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định rõ định hướng phát triển nông nghiệp trong giai đoạn mới, đó là: Đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5%-3,0%/năm. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh, giá trị gia tăng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn theo yêu cầu xuất khẩu, có khả năng tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại hội XIII của Đảng một lần nữa xác định, cơ cấu lại kinh tế vùng, đổi mới thể chế liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng, phát huy vai trò các vùng kinh tế động lực và các đô thị lớn, quan tâm phát triển các vùng còn khó khăn, thu hẹp chênh lệch phát triển giữa các vùng. Chủ trương đó yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải thoát ra khỏi tư duy trong phạm vi địa giới hành chính huyện, tỉnh, thành phố; tập trung xây dựng chiến lược quốc gia, vùng, miền và chế biến nông sản; đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh doanh nông nghiệp với vai trò “bà đỡ” của doanh nghiệp nông nghiệp với công nghệ mới, hiện đại và cơ chế, chính sách tương thích nhất để hỗ trợ, khuyến khích tập trung vào vấn đề đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản gắn với thị trường. Đây là những vấn đề mấu chốt như "trục xương sống" trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của nước ta.
Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, những năm qua, ngành nông nghiệp nỗ lực duy trì tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn; khẳng định được vị thế quan trọng trong nền kinh tế. Trong 5 năm qua, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện theo phương châm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại Ngành. Trong đó, tập trung tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và cơ cấu lại sản xuất theo 3 trục sản phẩm chủ lực là tập trung phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; nâng cao năng lực, hiệu quả phòng chống dịch bệnh xuyên biên giới và hạn chế tác động do thiên tai gây ra; tiếp tục hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước. Đến hết năm 2020 và cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, các chỉ tiêu chủ yếu của Ngành đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, nổi bật như: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành Nông nghiệp 5 năm ước đạt 2,62%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 năm đạt trên 190 tỷ USD; hết năm 2020, ước có trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của kinh tế nông nghiệp đạt bình quân trên 2,7%/năm. Các mặt hàng nông sản Việt Nam đã tham gia hội nhập ngày càng sâu, rộng vào thị trường thế giới. Cụ thể, đến hết năm 2021, hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu sang gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới. Riêng năm 2021, giá trị toàn ngành Nông nghiệp tăng 2,9% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD.
Tầm nhìn, định hướng và giải pháp phát triển
Trong giai đoạn 2021 – 2025, ngành Nông nghiệp hướng đến mục tiêu: Phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh, nông dân giàu có; cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sử dụng hiệu quả và bảo vệ bền vững tài nguyên thiên nhiên. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn Ngành đạt từ 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới ít nhất 80%; có 50% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%...
Trước bối cảnh và yêu cầu mới với các thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu trên, rất cần sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, Chính quyền và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương nhằm giải quyết một cách đồng bộ, tổng thể các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, chú trọng thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường yếu tố sản xuất, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên. Trong đó, thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Trong bước chuyển đổi này, cần thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Công nông trí thức hóa. Trí thức công nông hóa. Nghĩa là công nông cần học tập văn hóa để nâng cao trình độ tri thức của mình, trí thức cần gần gũi công nông và học tập tinh thần, nghị lực, sáng kiến và kinh nghiệm của công nông”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng đòi hỏi nhìn nhận ngành Nông nghiệp không chỉ là ngành sản xuất vật chất mà còn là ngành kinh doanh nông nghiệp - ngành kinh tế tri thức nông nghiệp và nhu cầu thị trường là "mệnh lệnh" cho sản xuất nông nghiệp.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị” để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết sáu nhà (nhà nông, nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối) nhằm phát huy cao độ vai trò chủ thể của nông dân. Thực hiện chủ trương này, các nhà quản lý cần phát huy vai trò trong việc đáp ứng sự mong đợi của nông dân, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ chính sách và tài chính, bổ sung những gì còn thiếu để nông dân tiếp cận các kiến thức, kỹ năng sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, nông nghiệp không thể thiếu doanh nghiệp làm khâu kết nối sản xuất với thị trường do vậy việc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là tất yếu.
Muốn vậy, các chính sách khuyến khích cần cụ thể, dài hạn, khơi nguồn sáng tạo, tạo sức hấp dẫn bằng các cơ chế, chính sách thiết thực, quy định pháp lý rõ ràng về phát huy vai trò của nông hộ trong hợp tác xã và doanh nghiệp để tích tụ, tập trung đất đai, đầu tư khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Đồng thời, tập trung đào tạo kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới và kỹ năng quản trị kinh doanh cho hội viên nông dân. Có hình thức tổ chức, tập hợp các nhà khoa học nông nghiệp và tiếp tục tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông” để mang đến cho hội viên, nông dân không chỉ niềm tự hào mà quan trọng hơn là những tâm đức và kiến thức quý báu của họ.
Thứ hai, từ chủ trương “phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương".
Thứ ba, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành; trong đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới, nhất là cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư. Hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bảo vệ quyền lợi của nông dân; đi đôi với thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai trên cơ sở hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp cùng với các chế tài quản lý đồng bộ để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu một nền sản xuất lớn, hiện đại.
Thứ tư, tranh thủ lợi thế các Hiệp định thương mại tự do và các cam kết quốc tế để ổn định, giữ vững các thị trường truyền thống, quy mô lớn, phát triển thị trường mới. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, đi đôi với đẩy mạnh Chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Thứ năm, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, chuyển dịch đồng bộ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ với những điều kiện an sinh xã hội tốt hơn.
Thứ sáu, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Thứ bảy, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa vùng nông thôn Việt Nam.
Thứ tám, huy động nguồn lực, đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thứ chín, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế” đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; thay đổi nhận thức và cách tiếp cận về sản xuất nông nghiệp hàng hóa trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII;
2. Ban Chấp hành Trung ương (2008), Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, H.2008;
3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp;
4. Chính phủ (2022), Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
5. Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020, Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020.
* Phạm Thị Việt Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022