Đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số ở đồng bằng sông Cửu Long
Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 tại đồng bằng sông Cửu Long đã giúp giảm công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cụ thể là giúp tự động hóa giám sát cây trồng, vật nuôi một cách liên tục, phân tích diện rộng tình hình thời tiết, độ ẩm, sâu bệnh... để thực hiện canh tác an toàn.
Ngành nông nghiệp các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, giúp nông dân phát triển kinh tế và có trách nhiệm với người tiêu dùng. Nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp bình quân 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng.
Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp của vùng đạt 4,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (3,76%). Theo các nhà nghiên cứu, đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, trong đó, tăng trưởng xanh với chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của vùng theo hướng bền vững.
Lợi thế số
Do phù sa bồi đắp, xứ cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng lâu nay vốn nổi tiếng là một trong những vùng trồng trái cây ngon nhất miền tây. Nhất là gần đây địa phương áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch, hữu cơ, nên các loại trái cây có hương vị đậm đà, thơm ngon, giàu dinh dưỡng hơn những vùng đất khác. Hiện nhiều loại trái cây của huyện Kế Sách không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn tới các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu nhờ vào quy trình sản xuất sạch, an toàn.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh cung cấp sản lượng lương thực quan trọng của cả nước, nơi có sản phẩm xuất khẩu dồi dào, đa dạng, đặc biệt là gạo, thủy sản và nông sản chế biến. Giá trị xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó thủy sản chiếm hơn 1 tỷ USD và gạo 213 triệu USD. Kết quả này có được nhờ địa phương áp dụng thành công kinh tế số trong chuỗi sản xuất tiêu thụ.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: Tỉnh đang thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đẩy mạnh chuyển dịch nông nghiệp, thâm canh tăng vụ lúa bằng nhiều biện pháp, đã tăng sản lượng lúa hằng năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; cây màu và cây công nghiệp phát triển và mở rộng, năm 2021 đạt 44.293ha.
Chăn nuôi phát triển theo hướng chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia trại, trang trại tập trung có kiểm soát dịch bệnh; diện tích nuôi thủy sản đạt 76.530ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 53.000ha. Đặc biệt, việc ứng dụng chuyển đổi số trong khâu tiêu thụ nông sản đã giúp địa phương giải quyết tốt hơn “đầu ra” nông sản. Đến nay có 131 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia từ đầu vụ/tổng diện tích 61.922ha;...
Còn tại Đồng Tháp, toàn tỉnh đang bước vào công cuộc chuyển đổi số với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) một trong những nơi đi đầu về thực hiện chuyển đổi số trên cánh đồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, nông dân Ba Thuận, thành viên Hợp tác xã dùng điện thoại thông minh thao tác nhập dữ liệu cho quy trình canh tác.
Ông Thuận trần tình: “Đã mấy vụ lúa, nông dân chúng tôi dùng điện thoại theo dõi tình hình sâu hại trên đồng để qua đó vừa bảo tồn thiên địch, vừa tiêu diệt sâu rầy hiệu quả”. Trong quản lý nước, hợp tác xã áp dụng điều tiết nước theo nhu cầu cây lúa, áp dụng tốt quy trình ngập khô xen kẽ bằng công nghệ 4.0 thông qua hệ thống cảm biến mực nước hoạt động bằng pin năng lượng mặt trời và thiết bị bơm tưới nước tự động, qua đó giúp giảm được chi phí bơm tưới.
“Hiện nay nông dân đã nắm bắt khá tốt những tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng các khâu quan trọng góp phần giảm phát khí thải nhà kính, giúp giảm chi phí sản xuất từ 150-250 đồng/kg lúa, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng thu nhập cho người dân hơn 5-8 triệu đồng/ha so canh tác bình thường. Ngoài ra, đã tạo được vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới thực hiện cánh đồng lớn, góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam”, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 Ngô Phước Dũng phấn khởi nói.
Gắn với tăng trưởng xanh
Tỉnh Đồng Tháp có Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu là đến năm 2025 đạt 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế-xã hội; phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia; xây dựng 7 làng thông minh, 7 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15% đến 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho biết, địa phương sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, quyết tâm trở thành địa phương đứng đầu trong chuyển đổi số để theo kịp sự thay đổi của thời đại và nhất là giúp nông dân làm giàu từ mảnh ruộng của mình.
Xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế trọng yếu, liên quan đến sinh kế của hơn 70% dân số, tỉnh Sóc Trăng thực hiện chuyển đổi số theo Nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 14, xem đây là hướng phát triển tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp thông minh, trách nhiệm và bền vững. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam, địa phương cụ thể hóa chuyển đổi tư duy từ “Phát triển sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “Phát triển kinh tế nông nghiệp”; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất; chuyển từ mục tiêu hỗ trợ kinh tế hộ sang mục tiêu hỗ trợ kinh tế tập thể, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động mô hình hợp tác; thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Qua đó hỗ trợ đưa sản phẩm, hàng hóa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại...
Thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, TP. Cần Thơ hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn và ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, cổng thông tin kết nối tiêu thụ các nông sản chủ lực của Cần Thơ thu hút 43 doanh nghiệp đăng ký tham gia gồm 25 doanh nghiệp chế biến nông sản, 6 hợp tác xã, 1 trung tâm dịch vụ nông nghiệp và 11 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Có 133 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, trong đó có 41 sản phẩm OCOP, được giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử lớn và cổng thông tin này, giúp việc quảng bá, tiêu thụ thuận lợi hơn.
Cần Thơ còn hỗ trợ phần mềm truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc trưng cho người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho sản xuất và tiêu thụ, đồng thời lồng ghép chuyển đổi số trong công tác khuyến nông, đổi mới sáng tạo để khuyến khích nông dân tham gia chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành nông nghiệp. Hiện thành phố có hơn 25.000 hộ sản xuất được hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất và đăng ký tham gia tiêu thụ nông sản trên môi trường số, với gần 500 sản phẩm.
Tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa khởi động “Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Mekong” nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, sáng kiến này hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực khu vực về các kỹ năng chuyển đổi số và thương mại điện tử, mở ra cơ hội việc làm mới và cung cấp cho khu vực một lực lượng lao động đã được trang bị các kỹ năng số.
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy cho biết: Chương trình cung cấp miễn phí dịch vụ điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cho 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; 500 gói dịch vụ tra cứu thông tin doanh nghiệp ở nước ngoài miễn phí nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu và hợp tác thương mại; xây dựng 500 website miễn phí cho người dân và doanh nghiệp để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm vùng đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng số. Chương trình còn tài trợ 5.000 suất học bổng đào tạo về công nghệ thông tin dành cho sinh viên và người lao động; hỗ trợ, đào tạo miễn phí về chuyển đổi số và bán hàng trên mạng xã hội, các kênh trực tuyến cho 3.000 nông dân, tiểu thương; hướng đến xây dựng công dân số, xã hội số trong nền kinh tế số, góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
TP. Cần Thơ là trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long nên chuyển đổi số có vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các địa phương trong vùng. Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường cho biết, thành phố hiện có nhiều trường đại học, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ các địa phương đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số. Thành phố cũng đang xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số, phát triển thương mại điện tử, tạo sự kết nối, lan tỏa trong phát triển kinh tế số, xã hội số; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo vùng tại TP. Cần Thơ để kết nối các nguồn lực, hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số.