Đối tác thanh toán trung tâm - Cơ chế phòng ngừa rủi ro hiệu quả
Để thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững, một trong những mục tiêu quan trọng là đưa TTCK phái sinh (TTCKPS) vào hoạt động, đây cũng là bước tất yếu trong tiến trình phát triển thị trường tài chính.
Phóng viên: Thưa ông, theo yêu cầu của cơ quan quản lý, dự kiến chậm nhất trong tháng 6/2017, TTCKPS Việt Nam sẽ đi vào hoạt động. Với vai trò là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh (CKPS) theo mô hình CCP cho TTCKPS, ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị của VSD hiện nay?
TS. Nguyễn Sơn: Phương thức bù trừ, thanh toán theo mô hình CCP là phương thức phổ biến được nhiều TTCK các nước áp dụng do sự ưu việt trong quản lý rủi ro của mô hình này.
Đặc biệt, trên TTCKPS, với đặc tính vốn có là sử dụng đòn bẩy tài chính cao, quy mô hợp đồng lớn, thời gian thanh toán kéo dài cùng với nguy cơ đối tác mất khả năng thanh toán cao thì mô hình này càng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng do được trang bị một hệ thống quản lý rủi ro đa tầng đa lớp.
Thông qua hoạt động thế vị, CCP sẽ trở thành chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán, đảm bảo việc thanh toán giao dịch ngay cả trong trường hợp một bên trong giao dịch ban đầu (giao dịch gốc) không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán của mình.
Đối với TTCKPS Việt Nam, việc áp dụng mô hình CCP trong hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS đã được quy định tại “Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp theo đó được cụ thể hóa chi tiết hơn tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP và Thông tư 11/2016/TT-BTC1 theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng được các yêu cầu về mặt pháp lý mang tính đặc thù của Việt Nam cũng như đảm bảo khả năng quản lý rủi ro, an toàn an ninh thông tin trong xử lý nghiệp vụ.
Đây cũng chính là yêu cầu mang tính định hướng trong việc xây dựng hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS cho TTCKPS Việt Nam.
Cho đến nay, công tác chuẩn bị về mặt hệ thống kỹ thuật phục vụ cho việc triển khai hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS theo mô hình CCP đã được VSD hoàn tất, sẵn sàng cho việc vận hành TTCKPS theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS theo mô hình CCP đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo cho sự vận hành an toàn, hiệu quả của TTCKPS. Vậy, xin ông chia sẻ thêm về cơ chế quản lý rủi ro của hệ thống bù trừ, thanh toán CKPS sẽ được VSD vận hành trong thời gian tới?
Với vai trò là CCP, trong thời gian tới, bên cạnh chức năng bù trừ ròng các nghĩa vụ thanh toán như hiện nay, VSD cần phải đảm nhiệm thêm 02 chức năng mới là bảo lãnh thanh toán cho TTCKPS và quản lý rủi ro cho bản thân CCP.
Vai trò, chức năng mới này đã đặt ra cho VSD trách nhiệm cần phải có cơ chế nhận diện, quản lý, phòng ngừa rủi ro một cách toàn diện thông qua việc phát triển hệ thống giám sát chính xác, kịp thời, quy trình thực hiện hiệu quả cũng như có phương án xử lý kịp thời các tình huống phát sinh để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ diễn ra liên tục.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như quy định pháp lý và hoạt động triển khai TTCKPS tại Việt Nam, một số rủi ro chính mà VSD phải đối mặt trong thời gian tới có thể được nhận diện bao gồm: rủi ro đối tác, rủi ro thanh khoản, rủi ro ngân hàng thanh toán và rủi ro hoạt động.
Với mỗi loại rủi ro được nhận diện nêu trên, VSD cũng đã xây dựng được một hệ thống cơ chế quản lý, phòng ngừa rủi ro tương ứng theo hướng cố gắng định lượng và tham số hóa các yếu tố rủi ro để tận dụng được khả năng hỗ trợ của hệ thống.
Đơn cử trong đó có thể kể ra như kiểm soát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, giới hạn vị thế dựa trên kết quả tính toán của hệ thống theo thời gian thực, qua đó đảm bảo giảm thiểu tình trạng mất khả năng thanh toán của thị trường.
Đến nay, các cơ chế phòng ngừa và xử lý rủi ro của VSD cũng đã hoàn tất, sẵn sàng cho việc triển khai TTCKPS trong thời gian tới được an toàn, thông suốt.
Bên cạnh hệ thống kỹ thuật, các Quy chế hướng dẫn nghiệp vụ bù trừ, thanh toán CKPS cũng được thành viên thị trường rất quan tâm. Ông có thể cho biết thêm thông tin về các Quy chế này?
Triển khai kế hoạch chuẩn bị khai trương TTCKPS, trong tháng 3/2017, VSD đã ban hành 03 Quy chế hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến bù trừ, thanh toán CKPS bao gồm: Quy chế Thành viên bù trừ (TVBT) hướng dẫn các nội dung liên quan đến việc đăng ký TVBT/thu hồi Giấy chứng nhận TVBT, quyền và nghĩa vụ của TVBT, xử lý vi phạm...;
Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ quy định các nội dung liên quan đến việc đóng góp, quản lý và sử dụng Quỹ bù trừ; Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán CKPS hướng dẫn các nội dung về đăng ký thông tin tài khoản giao dịch, tài khoản ký quỹ, thông tin nhà đầu tư, thế vị, bù trừ vị thế, ký quỹ, xác định giá, thực hiện thanh toán và các biện pháp xử lý mất khả năng thanh toán, quản lý rủi ro của VSD...
Bộ Quy chế này đã được xây dựng trên tinh thần cố gắng thể hiện rõ ràng và hướng dẫn đầy đủ, chi tiết nhất các vấn đề nghiệp vụ, kỹ thuật tính toán liên quan đến hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS, nhất là các phương pháp tính tỷ lệ ký quỹ, giá trị ký quỹ yêu cầu là những vấn đề kỹ thuật rất phức tạp.
Thông qua đó giúp cho thành viên thị trường sớm hoàn thiện được hệ thống phục vụ nghiệp vụ bù trừ, thanh toán giao dịch CKPS mà các đơn vị này đang xây dựng.
Để TTCKPS đi vào hoạt động thuận lợi, không chỉ TVBT mà nhà đầu tư cũng cần nắm được các kiến thức liên quan đến CKPS, theo đó công tác tuyên truyền, đào tạo có một vai trò rất quan trọng. Ông có thể cho biết kết quả hoạt động tuyên truyền, đào tạo của VSD cho đến nay cũng như kế hoạch đào tạo trong thời gian tới?
Để phát triển cơ sở nhà đầu tư cũng như các tổ chức trung gian tham gia TTCKPS ngay từ giai đoạn đầu, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), trong thời gian qua, VSD và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức công tác tuyên truyền theo hướng vừa phổ cập kiến thức cơ bản cho công chúng thông qua báo đài, truyền hình đồng thời với việc tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho khối các công ty chứng khoán (CTCK), ngân hàng thương mại (NHTM) có mong muốn tham gia vào thị trường trong giai đoạn đầu.
Về hình thức thực hiện, công tác tuyên truyền, đào tạo đã được tổ chức theo hướng đa kênh, đa chiều, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mỗi đối tượng tiếp nhận đào tạo như tổ chức hội thảo chuyên đề, tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị, mời chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo thông qua quá trình kiểm thử...
Bên cạnh đó, VSD triển khai lớp tập huấn đầu tiên có mức độ chuyên sâu cao về hoạt động bù trừ, thanh toán CKPS dành cho khối cán bộ nghiệp vụ của 08 CTCK đang kiểm tra thử với VSD để làm cơ sở hoàn tất hồ sơ đăng ký TVBT cũng như đảm bảo khả năng kết nối, tác nghiệp với hệ thống của VSD khi thị trường đi vào vận hành.
Sau khi hoàn thành đợt tập huấn này, VSD sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai hoạt động tập huấn, đào tạo ở quy mô rộng hơn cho tất cả các thành viên thị trường có nhu cầu.
Xin ông cho biết tình hình phối hợp của VSD với thành viên thị trường cho công tác chuẩn bị khai trương TTCKPS?
Theo mô hình tổ chức TTCKPS hiện nay thì các bên liên quan tham gia vào việc vận hành thị trường gồm có HNX, VSD và Ngân hành thanh toán Vietinbank.
Để đảm bảo cho công tác vận hành được nhịp nhàng, chặt chẽ, HNX, VSD và Vietinbank đang tiến hành xây dựng các văn bản thỏa thuận hợp tác giữa các bên, trong đó VSD và HNX sẽ thỏa thuận các vấn đề về gửi, nhận dữ liệu về sản phẩm, giao dịch, dữ liệu giá, quản lý các ngưỡng cảnh báo rủi ro theo thời gian thực...; VSD và Vietinbank sẽ thỏa thuận về cơ chế phối hợp quản lý nộp/rút kết quả bằng tiền, thanh toán lỗ/lãi vị thế, thanh toán đáo hạn...
Xin trân trọng cảm ơn ông!