Đón ngoại lực để tái cơ cấu ngân hàng
Ngành ngân hàng đang trải qua quá trình tái cơ cấu. Đây được xem là cơ hội tốt cho nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước.
Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam đang có kế hoạch xử lý, mua lại một số ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Trên thực tế, để đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng, trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các NHTM cổ phần Việt Nam lên trên mức trần 30% như hiện nay, thậm chí có thể bán 100% cho nhà đầu tư ngoại đối với những ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém, đang cần nâng cao tiềm lực tài chính để tái cấu trúc.
Thông tin từ một số quỹ đầu tư nước ngoài và tổ chức tư vấn cho hay, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới việc đầu tư vào các ngân hàng Việt. Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital - ông Andy Ho cho rằng, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam là cơ hội tốt để các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực này. Nhất là khi Chính phủ Việt Nam đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được nắm hơn 30%, thậm chí là 100% cổ phần của các ngân hàng Việt trong các trường hợp đặc biệt, nhằm tái cấu trúc các tổ chức tín dụng yếu và được sự đồng ý của Chính phủ.
Bộ phận Tư vấn Mua bán và sáp nhập (M&A) của Deloitte cho biết, thường xuyên nhận được câu hỏi của các nhà đầu tư nước ngoài liên quan đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tình hình xử lý nợ xấu và các cơ hội đầu tư vào các ngân hàng trong nước.
TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế khẳng định: “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngân hàng nước ngoài có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra 3.000 – 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng”.
Phải tách tài sản tốt, tài sản xấu
Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2 (2016 – 2020) với yêu cầu cao hơn trong việc xử lý các điểm yếu còn lại và đáp ứng các đòi hỏi mới cao hơn về năng lực, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng, việc các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, mua cổ phần của các NHTM Việt Nam là một bước đi nên hoan nghênh, vì có các nhà đầu tư nước ngoài vào sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và quản trị, tăng hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, ngoài cơ chế, thủ tục nhanh gọn, vấn đề nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là cần phải minh bạch về số liệu. Với các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian thu hồi vốn là điều quan trọng. Ngoại trừ việc cho họ mua đứt 100% hoặc nắm tỷ lệ chi phối thì việc tham gia góp vốn, tái cơ cấu đang gặp vấn đề rất lớn về nợ xấu.
Ông Daniel Wu - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành CTBC Financial Holding Co., Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ, điều quan trọng nhất đối với các nhà băng nhỏ, cũng như các ngân hàng sau M&A chính là quản trị rủi ro, trong đó trọng tâm là kiểm soát tốt vấn đề nợ xấu, cần có định hướng mang tính chiến lược cũng như tái định mức giá trị gia tăng.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng trên thế giới khoảng 12%, nhưng ở Việt Nam, ngân hàng Nhà nước yêu cầu chỉ là 9%, nên Việt Nam cần tiếp tục tăng vốn để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững của các ngân hàng trong tương lai. “Trong quá trình tái cơ cấu, các nước thường tách riêng tài sản xấu, tài sản chưa tốt của các ngân hàng để dễ quản lý và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả các quốc gia tái cơ cấu để mở cửa kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, đây cũng là xu hướng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Chính phủ không muốn sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu” - ông Wu nhận định.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều làm nhà đầu tư lo ngại là thông tin về các ngân hàng không minh bạch, mua ngân hàng yếu thường phải gánh cả những tài sản rất xấu, không có hướng xử lý. Tuy nhiên, nếu ngân hàng nhà nước cho phép tách những tài sản xấu, những món nợ rất xấu riêng ra khỏi ngân hàng để xử lý, thì việc vời vốn ngoại để tái cơ cấu không phải là chuyện khó khăn.