Động lực từ cải cách tiền lương!


Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 10 và tháng 11 năm 2023 của Ban Dân nguyện gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 28 cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ phấn khởi với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về chính sách tiền lương.

Tiền lương là vấn đề luôn được cử tri, nhân dân quan tâm trong mọi thời điểm bởi tiền lương liên quan trực tiếp đến thu nhập và tác động trực tiếp đến cuộc sống của biết bao gia đình. Ở một khía cạnh khác, nếu tiền lương không đủ trang trải, mức sống của người lao động bị giảm sút, buộc người lao động phải chạy “chân trong, chân ngoài” để kiếm sống. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý, hiệu quả làm việc của người lao động. Và ngược lại, nếu tiền lương đủ để chi tiêu, người lao động sẽ yên tâm cống hiến cho công việc, cho doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Không chỉ đánh giá giá trị của sức lao động, gắn chặt với chất lượng, hiệu quả công việc, mà tiền lương còn có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, hiệu quả và trung thực. Đó cũng là một trong những giải pháp mà các chuyên gia thường hiến kế để ngăn chặn tình trạng tham nhũng “vặt”, đó là có chính sách cải cách tiền lương kịp thời, lương cho cán bộ, công chức phải đủ sống.

Quan trọng là vậy, nhưng việc tăng lương vẫn là bài toán khó bởi lý do nguồn lực. Mức lương hiện nay chưa tương xứng với sức lao động, mức thu nhập còn quá thấp trong khi giá cả thì tăng cao; điều này cũng trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ở một số lĩnh vực từ khu vực công ra khu vực tư. Trước thực tế này, đòi hỏi cần có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với công chức, viên chức, người lao động.

Kỳ họp thứ 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, Quốc hội quyết nghị thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang bố trí dự toán năm 2024 của một số địa phương là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Cùng với đó, từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024: mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng sẽ được tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 12/2023 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc năm 2024).

Việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, góp phần bảo đảm đời sống, tạo sự an tâm công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tuy nhiên, để bảo đảm tính ổn định bền vững của chính sách, rất cần các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương.

Cùng với đó, Chính phủ cần hoàn thành sớm xây dựng vị trí việc làm để cải cách tiền lương. Đặc biệt, để niềm vui được trọn vẹn, song song với việc cải cách chính sách tiền lương, rất cần giải pháp để kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, “lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng”.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn