Đồng yên rớt xuống mức thấp nhất trong 20 năm

Theo Trung Mến/bizlive.vn

Nguyên nhân chính tạo ra làn sóng bán đồng yên chính là việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phiên giao dịch ngày hôm nay, đồng yên Nhật rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 5/2022 so với đồng USD. Đồng yên giao dịch với đồng USD ở ngưỡng khoảng 126 yên/USD. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tăng, nhà đầu tư vì vậy mua đồng USD và bán đồng yên.

Trong ngày thứ Tư, có lúc đồng yên rớt xuống dưới mức 126 yên/USD, thấp hơn cả ngưỡng 125,86 yên/USD vào tháng 6/2015, thấp nhất tính từ tháng 5/2002.

Vào đầu tuần này, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục tăng lên mức 2,8%, chính vì vậy các thành viên thị trường bán đồng yên và mua đồng USD bởi dự báo về khả năng chênh lệch ngày một lớn dần giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật và Mỹ.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 2,7% đến 2,8% trong ngày thứ Tư.

Vào ngày thứ Ba, Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng lõi tháng gần nhất thấp hơn kỳ vọng của thị trường, kết quả, lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ giảm. Điều này tạo ra làn sóng bán đồng yên và mua đồng USD, tạm thời đẩy tỷ giá đồng yên/USD xuống trên ngưỡng 124 yên/USD, tuy nhiên hoạt động mua vào này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn bởi Fed nhiều khả năng sẽ không thay đổi quan điểm thắt chặt chính sách tiền tệ của mình.

Nguyên nhân chính tạo ra làn sóng bán đồng yên chính là việc Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) vẫn tiếp tục chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, lãi suất trái phiếu Bộ Tài chính Nhật ở mức thấp trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) siết chặt chính sách tiền tệ.

Vào tháng trước, BoJ đã can thiệp nhằm kiềm chế lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm tăng cao.

“Tỷ giá đồng USD/JPY sẽ vẫn thử thách với ngưỡng 125,80 yên/USD trong tuần này. Bất kỳ khả năng sụt giảm nào xuống mức 124 yên/USD hoặc 123,5 yên/USD sẽ vẫn có nhiều người mua vào”, chuyên gia phân tích cao cấp tại quỹ OANDA – ông Jeffrey Halley nói.

Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Ba, Bộ trưởng Tài chính Nhật Shunichi Suzuki khẳng định rằng vấn đề linh hoạt tỷ giá vô cùng quan trọng, việc tỷ giá biến động nhanh chóng như vậy là điều mà không ai mong muốn, tuy nhiên quan điểm của ông không hề gây ra tác động nào lên tỷ giá hối đoái.

Đồng yên yếu có lợi cho các ngành định hướng xuất khẩu ví như các hãng xuất khẩu ô tô, tuy nhiên nó làm cho vấn đề lạm phát tệ hại hơn, gây tổn hại đến người tiêu dùng, các hãng bán lẻ và nhà hàng, nhóm các ngành vốn đã chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng tại Nhật tháng 2/2022 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.