Dự báo mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhẹ


Trong quý IV/2024, các tổ chức tín dụng (TCTD) có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp. Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm %) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm %) so với cuối năm 2023.

Các TCTD dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm %) so với cuối năm 2023.
Các TCTD dự báo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm %) so với cuối năm 2023.

Đây một trong những kết quả chính của Cuộc điều tra Xu hướng kinh doanh của các TCTD quý IV/2024, vừa được Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước công bố.

Cuộc điều tra được thực hiện trước thời điểm cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam, do đó, các nhận định và kỳ vọng/dự báo của các TCTD tại cuộc điều tra chưa tính đến những tác động và thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra.

Thanh khoản duy trì trạng thái tốt

Kết quả điều tra cho thấy nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng (gồm nhu cầu gửi tiền, sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ và vay vốn) của khách hàng trong quý III/2024 có cải thiện so với quý II/2024 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong đó, nhu cầu dịch vụ thanh toán và thẻ được nhận định cải thiện mạnh hơn nhu cầu vay vốn và gửi tiền trong cùng kỳ.

Trong quý IV/2024 và cả năm 2024, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng có thể “cải thiện” tốt hơn so với quý III/2024 và năm 2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “cải thiện” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.

“Đúng như dự kiến đưa ra tại kỳ điều tra tháng 6/2024, trong quý III/2024, các TCTD cho biết đã tiếp tục xu hướng giữ ổn định hoặc điều chỉnh giảm giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ, trong đó, tập trung giảm lãi suất biên nhiều hơn so với giảm phí dịch vụ”, Vụ Dự báo, Thống kê cho biết trong kết quả điều tra.

Đồng thời, theo kết quả điều tra, 17% TCTD cho biết dự kiến có thể điều chỉnh tăng nhẹ giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ trong quý IV/2024, chủ yếu là tăng phí dịch vụ, trong khi vẫn dự kiến giảm lãi suất biên.

Tính chung trong cả năm 2024, giá bình quân sản phẩm dịch vụ được các TCTD ước tính giảm so với năm 2023, giảm cả lãi suất biên và phí dịch vụ nhưng có thể tăng nhẹ trở lại trong năm 2025.

Theo nhận định của các TCTD, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 vẫn duy trì trạng thái “tốt”, tiếp tục cải thiện so với quý trước. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện trong qúy IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023.

Tại thời điểm cuối quý III/2024, có 72,8% TCTD nhận định tình hình thanh khoản chung ở trạng thái “tốt” (kỳ trước 72,5%), 25,4% TCTD nhận định thanh khoản “bình thường” (kỳ trước 26,6%).

Kết quả điều tra cho thấy, trong quý IV/2024, các TCTD có xu hướng điều chỉnh tăng rất nhẹ mặt bằng lãi suất huy động và duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp.

Tính chung cả năm 2024, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ (0,1 điểm %) và mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ (0,09 điểm %) so với cuối năm 2023.

Huy động vốn toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý IV/2024 và 7,9% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 10,1% ghi nhận tại kỳ điều tra trước).

“Dư nợ tín dụng toàn hệ thống được các TCTD kỳ vọng tăng bình quân 4,8% trong quý IV/2024 và 13,2% trong năm 2024 (điều chỉnh giảm 0,9 điểm % so với mức dự báo 14,1% tại kỳ điều tra trước”, Vụ Dự báo, Thống kê thông tin.

Nợ xấu có xu hướng “tăng nhẹ”, số TCTD dự báo lợi nhuận “âm” tăng lên

Tại kỳ điều tra này, các TCTD cho biết, mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục “tăng nhẹ” trong quý III/2024, tuy nhiên được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2024.

Đánh giá tổng thể năm 2024, các TCTD dự báo MBRR tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều so với năm 2023.

Riêng rủi ro của các nhóm khách hàng là TCTD được nhận định tăng nhẹ trong quý III/2024 nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2024 và cả năm 2024 so với năm 2023.

Các TCTD cho biết, trong quý III/2024, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng bình quân toàn hệ thống chưa đạt được kỳ vọng “giảm nhẹ”, có xu hướng “tăng nhẹ”, tuy nhiên xu hướng này có biểu hiện thu hẹp hơn so với quý II/2024. Các TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu có thể điều chỉnh giảm trong quý IV/2024.

Về lợi nhuận. Kết quả điều tra cho biết, tình hình kinh doanh tổng thể và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý III/2024 có cải thiện nhưng chưa đạt được như kỳ vọng ở kỳ điều tra trước. 71,9 - 76,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn trong quý IV/2024 và cả năm 2024.

Đáng chú ý tỷ lệ các TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2023 đã giảm mạnh so với kỳ điều tra trước, cụ thể: giảm từ mức 86,2% của kỳ điều tra trước xuống còn 79,6% trong kỳ điều tra này.

Bên cạnh đó, số TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2024 tăng lên 15,9% (cao hơn tỷ lệ 11% TCTD kỳ vọng tại kỳ điều tra trước) và 4,4% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Trong quý III/2024, các TCTD đánh giá các nhân tố nội tại tiếp tục có cải thiện so với quý trước, và dự kiến tiếp tục cải thiện trong cả năm 2024. Tuy nhiên, vẫn có 5,4% TCTD lo ngại tổng thể các nhân tố nội tại làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của đơn vị trong năm 2024, chủ yếu là do nhân tố “năng lực tài chính của đơn vị” cùng với “chính sách và năng lực quản trị rủi ro của đơn vị” và “nguồn nhân lực của đơn vị”.

Tương tự như kết quả điều tra trước, nhân tố “chính sách lãi suất, tín dụng, tỷ giá của đơn vị” cùng với “chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị” tiếp tục được đa số các TCTD đánh giá là 2 nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng tích cực tới tình hình kinh doanh của đơn vị trong quý III và dự kiến cho cả năm 2024.

Các TCTD tiếp tục đánh giá “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý III/2024, tính chung cho cả năm 2024, “Chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của NHNN” được kỳ vọng là nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD.

Trong khi đó, “sự cạnh tranh từ các TCTD khác” tiếp tục được đánh giá là nhân tố quan trọng nhất tác động tiêu cực làm “suy giảm” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý III/2024 và dự kiến cả năm 2024.

Theo Ngô Hải/thitruongtaichinhtiente.vn