Dự kiến kỳ họp bất thường của Quốc hội diễn ra vào đầu năm 2022
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 6, ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào những nội dung quan trọng để xem xét trình Quốc hội trong kỳ họp bất thường; đồng thời thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đưa vào kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV 04 nội dung gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (Đầu tư công, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Đầu tư, Đấu thầu, Điện lực, Doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt và Thi hành án dân sự); Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phí Đông giai đoạn 2021-2025; Tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kịp thời triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2021 Quốc hội đã tổ chức ba kỳ họp, gồm kỳ cuối cùng của khóa XIV (tháng 4) và kỳ thứ nhất (tháng 7), kỳ thứ 2 của khóa XV (vào tháng 11 vừa qua). Kỳ họp không thường kỳ tới đây dự kiến được tổ chức nhằm kịp thời xem xét 04 nội dung cấp bách nêu trên.
Dự kiến Chương trình kỳ họp dự kiến diễn ra trong 3,5 ngày và dự phòng nửa ngày. Có ba phương án tổ chức gồm:
Phương án thứ nhất, kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 27/12 và bế mạc ngày 31/12/2021.
Phương án thứ hai, kỳ họp khai mạc ngày 27/12/2021, bế mạc sáng 4/1/2022.
Phương án thứ ba, kỳ họp tổ chức khai mạc vào ngày 4/1/2022 và kết thúc ngày 11/1/2022.
Trong các phương án trên, Tổng thư ký Quốc hội đề xuất triển khai theo phương án 1 để hoàn thành các công việc trong năm 2021. Quốc hội sẽ họp tổ chức trực tuyến cả kỳ, nhưng do là kỳ họp bất thường không quy định tiếp xúc cử tri, nên đề xuất không tiếp xúc cử tri.
Thay mặt cơ quan thẩm tra nhiều nội dung quan trọng của kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, hiện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn băn khoăn về các nội dung thảo luận, như với gói phục hồi kinh tế, chất lượng hiện vẫn chưa đảm bảo và chưa rõ hướng xử lý để thống nhất trình Bộ Chính trị xin ý kiến. Do vậy, không nên gói trọn thời gian họp trong 3,5 ngày, mà cần để đại biểu nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 ngày làm việc của đợt họp thứ nhất, Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung toàn bộ thời gian để cho ý kiến về những nội dung dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung về gói chính sách tài khóa, tiền tệ và một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển TP. Cần Thơ cần được xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền và trình lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong đợt họp thứ hai.
Đồng thời, các nội dung khác cũng cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, tờ trình, báo cáo thẩm tra trên cơ sở nâng cao tối đa về chất lượng, tránh trường hợp vừa sửa luật xong đã lại phát sinh bất cập hoặc sửa điều luật này làm mâu thuẫn với điều luật khác. Như vậy, phải đến kết thúc đợt hai của Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thể chính thức kết luận về nội dung của kỳ họp bất thường.