Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường
Ngày 8/12, trong chương trình làm việc của Phiên họp thường kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật. Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là nội dung đặc biệt quan trọng liên quan đến tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dó đó, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đảm bảo các nội dung đề xuất sửa đổi là cần thiết, cấp bách; phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi khi ban hành.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến Thường trực các Ủy ban của Quốc hội cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý; cụ thể hóa chủ trương đã được đề ra tại các văn kiện của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật tương đối rộng với các nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau. Do vậy, để có thêm cơ sở, luận cứ cho việc bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội, đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung căn cứ của việc ban hành một Luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung trong nhiều luật. Trong đó, thể hiện rõ tính cấp thiết, cấp bách, có tác động ngay của từng nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội ngay tại kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đề nghị đánh giá cụ thể hơn công tác triển khai thực hiện các luật vừa được Quốc hội ban hành năm 2020 và mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 để làm rõ hơn sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các Luật này...
Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết, thống nhất dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Thi hành án dân sự đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra nội dung Luật Thuế TTĐB) đồng ý với sự cần thiết sửa đổi và nhất trí về thời điểm sửa đổi trước một bước (so với thời điểm sửa đổi tổng thể Luật thuế TTĐB theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá XV).
Một số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách này, song vẫn cho rằng cần cân nhắc về thời điểm sửa đổi, đồng thời, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ sửa đổi toàn diện Luật Thuế TTĐB, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của việc điều chỉnh thuế đến ngân sách nhà nước; giải trình rõ thêm về đánh giá tác động đến môi trường đối với số pin đã hết thời hạn sử dụng và không còn có thể tái chế.
Về mức thuế suất cụ thể, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với hướng thiết kế các mức thuế suất theo 2 bước như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chính xác lại các mức thuế suất dự thảo này; bảo đảm các mức thuế suất trong 5 năm đầu bằng 20% mức hiện hành của ôtô điện, và từ năm thứ thứ 6 là 75% của mức hiện hành...