Du lịch nông nghiệp, nông thôn Hà Nội thu hút du khách
Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và văn hóa, kết nối được với các địa phương trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng, lợi thế, bước đầu khai thác, phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, tạo nên những sản phẩm đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa đến khám phá, trải nghiệm.
Đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn
Hà Nội hiện có hai sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, đó là điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Đến nay, Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, gồm: Điểm du lịch xã Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn ( Thị xã Sơn Tây).
Ngoài ra, các huyện, thị xã còn hình thành nhiều điểm du lịch nông thôn khác như: Khu thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây); các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp như: Trang trại Dê trắng; Trang trại Đồng quê (huyện Ba Vì) và còn nhiều làng nghề nổi tiếng khác ở ngoại thành, cảnh quan, môi trường được tôn tạo, bảo vệ luôn thu hút du khách đến.
Nét đáng chú ý, các điểm đến du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có sự quan tâm, đầu tư, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Điển hình, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín. Từ một xã nông nghiệp đến nay đã phát triển theo hướng làng nghề sinh vật cảnh kết hợp khai thác dịch vụ du lịch sinh thái trải nghiệm, vào thời điểm dịch COVID-19 chưa bùng phát, mỗi năm xã Hồng Vân đón gần 7 vạn lượt khách đến du lịch. Hiện xã Hồng Vân có trên 20 mô hình tham quan, trải nghiệm du lịch được đầu tư bài bản, quy mô đón khách tham quan. Du khách đến đây được tham quan khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo mộc như chùm ngây, kim ngân hoa; thăm khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; tham quan các tuyến đường hoa, các nhà vườn sinh vật cảnh, thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa...
Xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh là địa phương nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái. Mô hình trồng nho hữu cơ kết hợp với du lịch sinh thái tại địa phương. Tận dụng các lợi thế về nông nghiệp, giao thông và du lịch, Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng nho với quy mô gần 5 ha. Du khách đến đây được trải nghiệm các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch nho với quy trình sản xuất an toàn. Mô hình này vừa tạo đà phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa tạo được không gian sinh thái giữa các đô thị.
Vào dịp hè, ngày nghỉ cuối tuần hay triển khai thực hiện chương trình học tập dã ngoại, trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì) luôn đón nhiều du khách, nhất là đón các đoàn học sinh tới sinh hoạt ngoại khóa. Đến đây, các em được trải nghiệm không gian làng Việt xưa, nghe giới thiệu, làm quen với nghề nông như trồng các loại rau, thu hoạch các loại nông sản… Để tạo sự hấp dẫn, thu hút khách, trang trại Đồng Quê phối hợp với người dân địa phương đưa khách đi tham quan làng nghề thuốc nam của đồng bào Dao, thưởng thức múa cồng chiêng, ẩm thực của đồng bào dân tộc Mường…
Nằm trên địa bàn xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn), Công viên nông nghiệp Long Việt rộng 120.000 m2 là địa chỉ quen thuộc của nhiều gia đình, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tại đây, cùng với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế, tạo nên hình ảnh thân thuộc của làng quê Bắc Bộ xưa. Du khách được tham gia, trải nghiệm các trò chơ dân gian như bịt mắt đập niêu, úp nơm đánh bắt cá, chèo thuyền thúng… trải nghiệm làm nông dân, thực hiện các công việc trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua…
Ngoài ra, các huyện ngoại thành của Hà Nội còn có nhiều mô hình khai thác thế mạnh của nông nghiệp nông thôn, ở các địa phương này đều có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, diện tích rộng, nhiều sản vật địa phương và vẫn tồn tại các làng nông nghiệp lâu đời, tạo nên những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như hoa hồng, các loại rau màu của Mê Linh, các loại rau, ổi Đông Dư (huyện Gia Lâm), cây ăn trái như ổi, nho, táo, bưởi, cam ở huyện Hoài Đức, các loại hoa quả ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ứng Hòa… một số địa phương bước đầu đã có sự kết nối với các địa phương trong vùng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm, tham quan, mua sắm.
Cần tăng cường tính liên kết, đẩy mạnh quảng bá
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với diện tích rộng, đa dạng hệ sinh thái tự nhiên, văn hóa, đồng thời có vị trí kết nối các tỉnh, thành phố trong cả nước, thành phố Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thành sản phẩm đặc trưng mang bản sắc riêng của du lịch Thủ đô. Hiện nay, ngành Du lịch Thủ đô chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, văn hóa, làng nghề truyền thống nhằm xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp, mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Tại Hội thảo khoa học đánh giá thực trạng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức tháng 7/2023, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đều có chung nhận định, tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội là rất lớn, nhưng vẫn còn không ít những bất cập. Giám đốc Công ty Du lịch Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho biết, du lịch nông nghiệp ở Hà Nội đã có những sản phẩm, nhưng thiếu những sản phẩm đặc sắc, đôi khi còn bị trùng lặp, hoạt động vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Tính liên kết ba bên giữa nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp lữ hành còn yếu nên chưa thể tạo lực đẩy cho loại hình du lịch nông nghiệp phát triển.
Để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, Hà Nội cần khắc phục những tồn tại, chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, phát huy vẻ đẹp của cảnh quan, văn hóa vùng nông thôn, cần gắn với du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề truyền thống kết nối với các điểm tham quan, di tích, danh thắng của từng địa phương, từng vùng. Xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng, thân thiện với môi trường. Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá. Hà Nội cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, trong đó chỉ ra các khu vực có khả năng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của từng điểm đến trên cơ sở liên kết, hình thành tuyến, điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn./.