Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD giúp Việt Nam nâng cao uy tín quốc tế
Không chỉ nâng cao uy tín quốc tế, dự trữ ngoại hối lớn giúp Việt Nam chủ động và sẵn sàng can thiệp thị trường khi tỷ giá biến động.
Tại Diễn đàn kết nối ngân hàng - doanh nghiệp mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước tin rằng có thể giữ tỷ giá ở mức ổn định.
Ngoài ra, theo ông Tú, nhờ mức dự trữ ngoại hối kỷ lục này, thế giới đánh giá rất tích cực, vị thế của nền kinh tế được nâng cao và uy tín nhà đầu tư cũng gia tăng... "Điều quan trọng là có nguồn ngoại tệ lớn như vậy thì Việt Nam sẽ chủ động và sẵn sàng can thiệp thị trường bất cứ lúc nào khi tỷ giá biến động mạnh", ông Tú nói.
Phó thống đốc cũng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ không phải lo cất trữ ngoại tệ hay phập phồng về rủi ro tỷ giá..., đồng thời việc mua ngoại tệ trở nên dễ dàng hơn.
"Thời gian tới, cho vay ngoại tệ sẽ siết lại chứ không để như bây giờ", Phó thống đốc nói và cho biết, một số doanh nghiệp thật sự có nhu cầu và thuộc diện ưu tiên mới được mua ngoại tệ, còn lại sẽ bị siết hết nhằm đảm bảo mục tiêu, chuyển quan hệ vay mượn thành quan hệ mua bán ngoại tệ.
Sau nhiều đợt tăng tỷ giá USD/VND trong năm 2015, năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang sử dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, tức thiết lập tỷ giá dựa trên cơ sở các yếu tố thị trường và điều chỉnh tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Kể từ đầu năm đến nay, VND là một trong số những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á.
Diễn biến tỷ giá những tháng qua được cho là khá bất ngờ đối với thị trường khi nhìn lại ba phần tư chặng đường của năm. Hồi đầu năm, tỷ giá được cơ quan điều hành, hoạch định chính sách cũng như nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức trong nước, quốc tế đánh giá là chịu khá nhiều áp lực. Tỷ giá có thể tăng 2-3% từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, nhất là đồng USD - đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá của Việt Nam mạnh lên.
Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ - Fed với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm trước, nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh, lạm phát có khả năng tăng khi giá hàng hóa thế giới phục hồi… Nhưng hiện, theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỷ giá của Việt Nam khá ổn định.
Đáng chú ý, ngày 10/10, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua vào USD kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới (từ 4/1/2016), đồng thời đánh dấu sự khác biệt lớn của diễn biến tỷ giá năm nay so với những năm trước. Động thái này được nối dài trong 3 ngày sau đó, và là lần đầu tiên thị trường chứng kiến Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ giá mua vào USD, cũng như sử dụng một công cụ mới để linh hoạt điều hành chính sách tỷ giá.
Là người mua bán sau cùng trên thị trường, can thiệp hoặc điều tiết qua giao dịch trực tiếp của mình khi cần, việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ giá mua vào USD như trên là tín hiệu mới, cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỷ giá. Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá đã có chuỗi ngày đi xuống, trái ngược với diễn biến các năm trước - tỷ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm.