Dự trữ ngoại hối lập kỷ lục 79 tỷ USD


Dự trữ ngoại hối Việt Nam đến thời điểm hiện tại khoảng 79 tỷ USD. Đây là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vào chiều 30/12.

Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2019 được ghi nhận tăng gấp hai lần so với cuối năm 2016 và trong 3 năm qua. Nguồn: Internet
Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2019 được ghi nhận tăng gấp hai lần so với cuối năm 2016 và trong 3 năm qua. Nguồn: Internet

Ông Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019 Việt Nam đã mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế. Tính đến hết năm, đã mua vào 20 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên gần 79 tỷ USD và đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Có được con số ấn tượng trên một phần nhờ có nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức kỷ lục. Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2019 được ghi nhận tăng gấp hai lần so với cuối năm 2016 và trong 3 năm qua, thặng dư thương mại của Việt Nam liên tục tăng, đạt gần 20 tỷ USD. Riêng trong năm 2019, mức chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu đạt kỷ lục gần 10 tỷ USD.

Đồng thời, trong năm 2019, về lãi suất, nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, chủ yếu dựa vào ngành Ngân hàng nên áp lực về vốn rất lớn, trong khi các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tập trung xử lý nợ xấu và các yếu tố tình hình quốc tế cũng tác động, gây áp lực tới lãi suất huy động.

Tuy nhiên, trong điều hành của NHNN đã linh hoạt trong việc điều tiết thị trường, thanh khoản của các TCTD nhằm ổn định và phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trên thực tế, lãi suất cho vay của nền kinh tế, đặc biệt là lãi suất cho vay trung, dài hạn và các lĩnh vực ưu tiên đã điều chỉnh giảm 2 lần, hiện lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%.năm.

Trong điều hành lãi suất, NHNN yêu cầu các TCTD đẩy mạnh xử lý nợ xấu để tăng cường nguồn lực tài chính, qua đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.

Về tỷ giá và điều hành thị trường ngoại tệ, NHNN đã triển khai rất đúng nhờ đó huy động được nguồn lực ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, tăng niềm tin của thị trường cũng như của các nhà đầu tư vào năng lực thực thi và điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN.

Qua đó đã giữ được ổn định tỷ giá, kiểm soát được lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối cung cầu của thị trường ngoại tệ và đáp ứng đầy đủ kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp.

Về điều hành tín dụng, trong năm 2019, NHNN đã tập trung chỉ đạo các TCTD kiểm soát chất lượng và cơ cấu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng ước đến cuối năm 2019 tăng khoảng 13,5 đén 13,7% và cơ cấu tín dụng chuyển dịch tập trung vào các lĩnh vực sản xuẩt, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ…

Theo Ngân hàng Thế giới-WB, lượng kiều hối của Việt Nam trong năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2018. Theo đó, Việt Nam có thể được xếp là năm thứ ba liên tiếp thuộc nhóm 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.