Dự trữ quốc gia khẳng định vai trò đối với sự phát triển bền vững của đất nước
(Tài chính) Trong ngày đầu năm mới 2015, dù công việc vẫn còn rất bộn bề nhưng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành thời gian trò chuyện về những đóng góp của ngành Dự trữ quốc gia (DTQG) trong năm qua. “Với những kết quả tích cực thiết thực hiệu quả, mà ngành DTQG đạt được thời gian qua, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng rằng DTQG ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình đối với sự phát triển bền vững của đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, trong thời gian qua khi thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, thiếu đói xảy ra, hàng DTQG được xuất cấp kịp thời cho các địa phương đã góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, hoạt động DTQG đang ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong tình hình mới. Xin Bộ trưởng một vài đánh giá về điều này?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đúng vậy, trong suốt những năm qua, khi các tình huống đột xuất, cấp bách và khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, thiếu đói xảy ra thì nguồn lực DTQG luôn luôn đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời các tình huống đó. Mỗi năm, nguồn lực DTQG đã xuất cấp hàng chục vạn tấn lương thực, hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh, hàng trăm triệu liều vắc xin phòng, chống dịch bệnh, hàng trăm tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng và thuốc y tế để phòng và dập dịch. Bên cạnh đó, ngành DTQG còn xuất hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện tham gia dự án trồng rừng; hỗ trợ đối tượng di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam. Nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ này được các công chức, viên chức ngành DTQG thực hiện trong những điều kiện đột xuất, cấp bách và khó khăn khi thiên tai, bão lụt xảy ra. Mặc dù gặp hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng mỗi công chức, viên chức ngành DTQG ra sức cố gắng vượt mọi khó khăn, gian khổ để đưa hàng DTQG đến tận tay người dân kịp thời, đầy đủ và đảm bảo chất lượng.
Ngoài nhiệm vụ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, DTQG còn xuất hàng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các ngày Lễ lớn của dân tộc. Điển hình là từ đầu năm đến nay, ngành đã thực hiện xuất hàng DTQG để đảm bảo an ninh, quốc phòng, bao gồm vật tư, thiết bị; các bộ xuồng DT4 để trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; xuất cấp 200 bộ máy bơm chữa cháy cho Bộ Công an để trang bị cho các lực lượng phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy tại các địa phương, và nhiều loại phương tiện, thiết bị khác phục vụ quốc phòng và an ninh… Ngoài ra, Ngành còn thực hiện tốt hoạt động viện trợ quốc tế với hàng nghìn tấn gạo các nước như: Cuba, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Thưa Bộ trưởng, kể từ năm học 2013-2014 đến nay, gần 50 vạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa trong cả nước luôn được “ấm bụng” để cắp sách đến trường. Có thể nói rằng, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục nói riêng, bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nói chung. Xin Bộ trưởng một vài chia sẻ về chính sách này?
Tôi đã công tác nhiều năm ở địa phương mà đặc biệt là ở tỉnh miền núi, rất thấu hiểu những khó khăn của đồng bào, của các em học sinh đã có lúc phải bỏ học vì thiếu ăn. Vì vậy, chính sách Chính phủ hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục DTNN chủ động xây dựng kế hoạch, đảm bảo đủ nguồn gạo sẵn sàng để xuất cấp; phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương có liên quan kịp thời rà soát, xem xét phê duyệt số học sinh được hỗ trợ gạo (đặc biệt phải chủ động ứng trước gạo cho học sinh ở một số tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên để các em yên tâm đến trường); chỉ đạo các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương nên việc tổ chức giao nhận gạo cho học sinh đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Tại các tỉnh miền núi, nhiều trường đã sử dụng gạo được hỗ trợ để tổ chức nấu ăn cho các em, thông qua đó quản lý chặt chẽ số gạo được cấp phát, sử dụng đúng mục đích. Với khoản kinh phí hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu theo quyết định số 85, cùng với chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã tạo điều kiện để các em yên tâm học tập.
Những bữa cơm hàng ngày của gia đình các cháu đã no hơn, các cháu chăm chỉ đến trường hơn, học tập tốt hơn. Đặc biệt, các phụ huynh rất phấn khởi khi cùng con em mình đi nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ; có phụ huynh tâm sự, những năm trước, gia đình rất vất vả lo bữa ăn cho cháu đến trường, nhất là những ngày giáp hạt. Năm nay được Nhà nước hỗ trợ gạo, gia đình đã bớt khó khăn hơn rất nhiều…
Các địa phương đều đánh giá và ghi nhận chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh là chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, nhất là các địa phương còn khó khăn về ngân sách và đánh giá cao tinh thần tận tình phục vụ của mỗi công chức, viên chức ngành DTQG.
Thưa Bộ trưởng, để thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng Đảng và Nhà nước giao phó, trong những năm qua, Tổng cục DTNN đã rất chú trọng đến việc kiện toàn và phát triển tổ chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức. Bộ trưởng đánh giá ra sao về hoạt động này?
Trong những năm qua và nhất là thời gian gần đây, Bộ Tài chính nói chung và Tổng cục DTNN nói riêng đã có nhiều giải pháp sát thực và đồng bộ nhằm xây dựng hệ thống tổ chức của ngành ngày càng hợp lý, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới. Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá cao những nỗ lực mà ngành DTQG đã đạt được.
Để chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức trong mỗi vị trí công tác, Tổng cục DTNN đã chú trọng đến công tác xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất chính trị vững vàng, tận tụy, yêu ngành, yêu nghề, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước nâng cao năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lịch sử hình thành và phát triển ngành DTQG đến ngay đã gần 60 năm. Từ ngày đầu mới thành lập, số công chức, viên chức Tổng cục DTNN chỉ có 236 người, đến nay số công chức, viên chức trong toàn hệ thống có gần 3.000 người. Điều quan trọng là cùng với sự phát triển của ngành tài chính, đội ngũ công chức, viên chức Tổng cục DTNN ngày nay đã được lãnh đạo các cấp, các ngành chăm lo, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, tiếp bước truyền thống của những người đi trước; có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, từng bước chuyên nghiệp hóa; gắn bó, tận tâm với ngành, với sự nghiệp; đã và đang là nhân tố quyết định cho mọi thành công của ngành DTQG.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục DTNN; đồng thời rà soát, tổng kết, đánh giá chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Tổng cục DTNN để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Yêu cầu phát triển kinh tế biển đảo hiện nay có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt góp phần đảm bảo chủ quyền an ninh đất nước. Được biết gần đây DTQG cũng đã bắt đầu định hướng nhằm phát huy nguồn lực vào chương trình này, Bộ trưởng có thể cho biết rõ thêm về định hướng này?
Vấn đề bảo vệ chủ quyền gắn liền với phát triển kinh tế biển đảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chiến lược phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục DTNN nghiên cứu, xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách sử dụng nguồn lực DTQG (các loại thiết bị vật tư cứu hộ, cứu nạn...) để hỗ trợ các ngư dân vùng ven biển, qua đó giúp ngư dân yên tâm bám biển, phát huy lợi thế trên 3.000 km bờ biển với hàng ngàn đảo lớn, nhỏ; góp phần bảo đảm ổn định cuộc sống cho ngư dân, phát triển kinh tế, bảo vệ vững chắc an ninh của biển đảo thân yêu Tổ quốc Việt Nam.
Để hoàn thiện được chính sách này, Tổng cục DTNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, 28 tỉnh, thành phố ven biển, nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách hiện có (Nghị định số 67/2014/ NĐ-CP ...), thường xuyên nắm bắt và cập nhật các thông tin liên quan đến các lĩnh vực, chương trình mục tiêu, dự án của địa phương, kết hợp tham khảo kinh nghiệm thực tế của các đơn vị đã triển khai thực hiện dự án để có đủ cơ sở, căn cứ pháp lý trong quá trình xây dựng các dự án, chương trình mục tiêu bảo đảm đúng pháp luật, theo quy định Nhà nước hiện hành.
Có thể nói rằng nhiệm vụ của Tổng cục DTNN đã “mở rộng”, yêu cầu cũng cao hơn. Để đáp ứng được những yêu cầu mới này, theo Bộ trưởng, Tổng cục DTNN sẽ phải làm gì trong thời gian tới?
Những kết quả đã đạt được của ngành DTQG rất đáng trân trọng và khích lệ, nhưng không được thỏa mãn mà cần thẳng thắn nhìn nhận chỉ ra những yếu kém tồn tại trong hoạt động DTQG như: Nguồn lực DTQG hiện nay còn mỏng, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; tư duy trong xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch DTQG chưa đổi mới nhiều; việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao. Đây là một trong những tồn tại đòi hỏi Tổng cục DTNN cần sớm đề ra các giải pháp để khắc phục, nhằm phát huy tốt hơn nữa những thành tích đã đạt được để vững bước tiến mạnh trong thời gian tới.
Một yếu tố quan trọng nữa là cần nghiên cứu cải tiến quy trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ các khâu: xây dựng, tổng hợp, đề xuất nhu cầu tại các địa phương đến việc phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn lực DTQG trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính tin tưởng rằng DTQG ngày càng khẳng định được vị trí vai trò của mình đối với sự phát triển bền vững của đất nước...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!