Đưa vải thiều Việt Nam chinh phục các thị trường quốc tế

Gia Hân

Nhằm thảo luận các giải pháp đưa vải thiều Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng quốc tế, ngày 16/6/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới”.

Toàn cảnh buổi diễn đàn.
Toàn cảnh buổi diễn đàn.

Tham dự diễn đàn có ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; ông Trần Văn Quân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cùng đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 

Việt Nam là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các nông sản mang bản sắc đặc trưng riêng của tiểu vùng sinh thái (đất thấp, đồi núi, cao nguyên và ven biển), được thiên nhiên ưu đãi với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, trong đó vải thiều là loại quả nhiệt đới được người dân trong nước và quốc tế ưa thích.

Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa với khoảng 320.000 tấn vải. Trong đó, tỉnh Bắc Giang là địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước với diện tích sản xuất trên 28.300 ha và dự kiến khoảng 180.000 tấn; Tỉnh Hải Dương có diện tích sản xuất vải khoảng 9.000 ha và sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 60.000 tấn.

Ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Gia Hân.
Ông Phạm Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Gia Hân.

Phát biểu tại buổi diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết: “Đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực hiện 17 hiệp định thương mại tự do. Với năng lực tốt về nguồn cung và quá trình mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường nông sản thế giới. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 46,8 tỷ USD, tăng 12 lần so với năm 2000. Việt Nam cam kết rằng sẽ nỗ lực để mang đến cho người tiêu dùng trên thế giới những sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn trong sử dụng.”

Hiện nay, vải thiều Việt Nam với hai đại diện là vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) và vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất hiện trên thị trường của hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ dừng lại ở đó, Việt Nam còn mong muốn đưa vải thiều chinh phục các thị trường “khó tính” khác, do đó, đòi hỏi người nông dân, cán bộ kỹ thuật, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng hợp lực để đề ra và cùng thực hiện các giải pháp thích hợp. 

Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Gia Hân.
Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Gia Hân.

Tại sự kiện, lãnh đạo của hai địa phương có sản lượng vải thiều lớn nhất cả nước là Bắc Giang và Hải Dương đã trình bày các tham luận về chủ đề: “Sẵn sàng, đảm bảo chất lượng vải thiều Việt Nam ra thế giới” và “Vải thiều Bắc Giang chinh phục thị trường nước ngoài”. Hai bài tham luận là những thông tin hữu ích về định hướng vùng trồng vải an toàn tại các địa phương cũng như các giải pháp để hiện thực hóa mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều.

Ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận. Ảnh: Gia Hân
Ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trình bày tham luận. Ảnh: Gia Hân

Trong khuôn khổ diễn đàn, phiên tọa đàm với chủ đề “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam” đã được đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Hợp tác xã trồng vải và các doanh nghiệp xuất khẩu vải tiến hành thảo luận.

Trao đổi về những giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ vải thiều, ông Phạm Văn Dũng - Giám đốc HTX Hồng Xuân đã chia sẻ cụ thể về quy trình đưa vải đi xuất khẩu, trong đó cần áp dụng tiêu chuẩn VietGap, Global Gap vào trồng trọt; những khác biệt của việc sản xuất vải chất lượng sạch quốc tế so với phương thức trồng trọt truyền thống; cùng với đó là những vướng mắc trong quá trình áp dụng thực tế, khó khăn để mở rộng mô hình. 

Tọa đàm với chủ đề “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam”.
Tọa đàm với chủ đề “Lời giải cho bài toán xuất khẩu vải thiều Việt Nam”.

Cũng tại đây, đại diện một số cơ quan ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã có những trao đổi về yêu cầu sản phẩm nói chung và vải thiều nói riêng khi xuất khẩu sang thị trường từng quốc gia. Ông Saadi Salama - Đại sứ Palestine nhận định rằng: “Việt Nam cần đưa niềm tự hào vải thiều đến nhiều nơi hơn nữa trên toàn thế giới như Trung Đông và đặc biệt quan tâm đến thị trường Halal”.

Tại diễn đàn, Ban Tổ chức còn trưng bày triển lãm số, gian hàng số nhằm giới thiệu với các quan khách, bạn bè trong và ngoài nước về sản phẩm vải thiều cùng một số nông sản nổi bật của các địa phương miền Bắc.