EC yêu cầu Ireland truy thu thuế 13 tỷ euro của Apple

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Ngày 30/8, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra tuyên bố, kết luận Ireland thiên vị cho Apple về chính sách thuế suốt một thời gian dài, giúp tăng lợi thế cạnh tranh của tập đoàn công nghệ này một cách bất hợp pháp, đồng thời yêu cầu Ireland phải truy thu 13 tỷ euro.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phán quyết gây sốc của EU vấp phải sự phản đối của hầu như tất cả các bên liên quan trực tiếp, kể cả Ireland, nước có thể nhận được số tiền lớn để giải quyết một phần nợ công.

Thuế suất thấp khó tin

Theo kết quả điều tra của EC, cứ mỗi chiếc iPhone hoặc iPad được bán ra ở London, Paris hay Milan, Apple lại hạch toán lợi nhuận thu được vào sổ sách của một công ty con ở Ireland.

Vào các năm 1991 và 2007, Ireland và Apple âm thầm thỏa thuận với nhau về việc chỉ tính thuế một phần nhỏ trong tổng số lợi nhuận của Apple đã chuyển về đây.

Và khi tính ngược ra, thì thuế suất thực tế mà Apple phải chịu chỉ là 1% vào năm 2003 và giảm xuống 0,005% vào năm 2014. Con số này thấp hơn nhiều so với thuế suất bình quân 12,5% áp dụng đối với các doanh nghiệp Ireland.

EC kết luận đây là một vụ gian lận thuế, vi phạm quy định của EU về các khoản hỗ trợ từ phía chính phủ, đồng thời yêu cầu Ireland phải truy thu tới 13 tỷ euro - một con số vượt xa sức tưởng tượng của các chuyên gia và lớn chưa từng có ở châu Âu. Ireland sẽ có 4 tháng để tính toán lại số tiền mà Apple còn nợ và thực hiện các thủ tục truy thu.

Theo quy định của EU, EC có quyền tiến hành thủ tục pháp lý đối với nước thành viên nào không tuân thủ quy định chung của khối. Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EU, bà Margrethe Vestager, khẳng định sự việc này liên quan đến lợi nhuận phát sinh ở châu Âu và hạch toán ở châu Âu, do đó không thể nói là nằm ngoài quyền hạn của EC.

Bà Vestager cũng khuyến cáo các nước EU khác nên sử dụng các bằng chứng mà EU đưa ra trong phán quyết này để truy thu số thuế mà Apple lẽ ra phải nộp trong lãnh thổ của mình.

Ngay sau khi nhận được phán quyết của EC, Apple ngay lập tức lên tiếng phản đối và tuyên bố sẽ kháng cáo tới cùng. CEO Tim Cook khẳng định Apple luôn tuân thủ luật pháp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, đồng thời ông chỉ trích EC xem nhẹ pháp luật Ireland và làm đảo lộn cả hệ thống thuế quốc tế.

Há miệng sẽ mắc quai

Còn theo lời ông Luca Maestri - Giám đốc tài chính của Apple, những dữ liệu mà EU đưa ra là hoàn toàn không có cơ sở và khẳng định rằng phần lợi nhuận của Apple mà EU yêu cầu bị đánh thuế ở Ireland thực ra là chịu thuế tại Mỹ.

Việc châu Âu điều tra Apple cũng vấp phải chỉ trích từ giới chức Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng EU bới lại chuyện quá khứ để xử ép doanh nghiệp Mỹ, đi ngược lại thông lệ quốc tế. Chính phủ Mỹ từng cáo buộc EC lạm quyền không khác gì một “cơ quan thuế siêu quốc gia” vì can thiệp quá sâu vào chính sách thuế của các nước thành viên, đánh thuế những khoản lợi nhuận mà họ không có quyền đánh thuế.

Phán quyết gây sốc của EU làm “dậy sóng” tất cả các bên liên quan trực tiếp. Apple và chính quyền Mỹ đã đành, ngay cả Ireland, nước tưởng chừng sẽ “vui vẻ” đòi tiền tỷ của Apple, cũng không đồng tình. Bộ trưởng Tài chính Ireland – ông Michael Noonan, tuyên bố nước này sẽ kháng cáo lên tòa án EU nhằm bảo vệ uy tín cho hệ thống pháp luật thuế của quốc gia.

Mặc dù 13 tỷ euro không phải là số tiền nhỏ với Ireland, bởi nó tương đương ngân sách y tế cả năm, gấp đôi doanh thu thuế 2015, hay đủ để xây dựng khoảng 100.000 căn nhà cho người nghèo, nhưng “cầm tiền” là “mắc quai” ngay vì không khác gì thừa nhận đã “đi đêm” với Apple.

Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp là một điểm cốt lõi trong chính sách kinh tế của quốc gia này và giải thích lý do vì sao Ireland có sức hấp dẫn với cả những tập đoàn khổng lồ khác như Google hay Facebook.

Ngoài Apple, nước Mỹ còn có 700 công ty khác đang hoạt động ở Ireland, với tổng cộng hơn 140.000 nhân viên. Ngay cả khi thiếu tiền đến mức buộc phải nhờ cậy gói cứu trợ quốc tế cách đây 6 năm để đối phó với khủng hoảng, Ireland vẫn kiên quyết không tăng thuế.

Đối với Apple, số tiền bị truy thu chỉ như muối bỏ biển. Tính đến tháng 7/2016, tiền mặt trong két của công ty này lên tới 232 tỷ USD, trong đó khoảng 214 tỷ USD đang cất giữ ở nước ngoài. Với năng suất thu về bình quân của Apple khoảng 4,45 tỷ USD/tháng trong năm 2015, khoản phạt của EU cũng chỉ tương đương 3 tháng kinh doanh mà thôi.