EU gia hạn trừng phạt Nga đến năm 2016
(Taichinh) - Liên minh châu Âu (EU) quyết định sẽ gia hạn thời gian trừng phạt kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa, làm dịu bớt những lo ngại về việc quá trình đàm phán giải quyết khủng hoảng nợ với Hy Lạp có thể bị tác động bởi Matxcova và đe dọa sự thống nhất của khối.
Quyết định kéo dài lệnh trừng phạt sắp hết hiệu lực vào cuối tháng Bảy tới đã nhận được sự đồng thuận của đại sứ các nước châu Âu tại cuộc họp ở Brussels hôm 17/6 và dự kiến __sẽ được phê chuẩn tại cuộc họp các ngoại trưởng vào đầu tuần tới tại Luxembourg.
Thời gian qua, Matxcova bằng nhiều kênh khác nhau đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ trong việc phản đối gia hạn lệnh trừng phạt mà EU áp đặt năm 2014 song song với các biện pháp tương tự của Hoa Kỳ sau khi Nga sáp nhập Crimea và bị cho là liên quan đến tình hình chiến sự hỗn loạn ở miền đông Ukraine.
Phiếu thuậnkhông dành cho Matxcova
Do mọi quyết định về lệnh trừng phạt đều phải đạt được sự thống nhất của tất cả các thành viên EU nên Nga chỉ cần vận động được bất kỳ một nước EU nào đứng về phía mình là có thể ngăn được chủ trương gia hạn. Thế nhưng, ngay cả những nước không mấy hào hứng với chuyện trừng phạt này như Hy Lạp, Síp hay Hungary đều làm buồn lòng Matxcova.
Ông Jacek Saryusz-Wolski, một thành viên Ba Lan trong Nghị viện châu Âu, từng lo ngại Thủ tướng Hy Lạp, Alexis Tsipras, có thể sử dụng quyền phủ quyết của Hy Lạp để “cứu” Matxcova nhằm đổi lấy khoản tiền cứu trợ từ Nga nếu các cuộc đàm phán với chủ nợ phương Tây không thoát được khỏi thế bế tắc.
Ông Tsipras trước đó đã có chuyến thăm Matxcova hồi tháng Tư và theo kế hoạch sẽ lại công du tới Nga hôm 18/6 trong khi các Bộ trưởng Tài chính 19 nước sử dụng đồng euro gặp nhau ở Luxembourg để thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Nếu không thể huy động đủ tiền trong hai tuần tới, Hy Lạp sẽ mất khả năng thanh toán khoản vay đáo hạn cuối tháng này từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ông Saryusz-Wolski cho biết quyết định gia hạn lệnh trừng phạt vẫn chỉ là sơ bộ và có thể bị trì hoãn hoặc rút lại sau cuộc họp các ngoại trưởng EU trong tuần tới.
Về phần Hoa Kỳ, nước này cũng rất tích cực vận động để duy trì lệnh trừng phạt không bị gián đoạn như từng thống nhất với Thủ tướng Đức, Angela Merkel, và các nhà lãnh đạo khác tại hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 tuần trước cho đến khi nào thỏa thuận ngừng bắn Minks đạt được từ tháng 2/2015 được thực thi đầy đủ.
Tiếng nói quyết địnhcủa Hy Lạp
“Nếu Liên minh châu Âu không thể duy trì biện pháp trừng phạt, uy tín của họ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề,” dẫn lời chuyên gia của Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) tại Brussels. Nga được cho là sẽ tiếp tục gia tăng áp lực ở miền đông Ukraine và đối với EU bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của những quốc gia như Hy Lạp nhằm ngăn chặn các đòn trừng phạt trong tương lai.
Trong khi tìm cách đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây giữa lúc tăng trưởng kinh tế sụt giảm, Nga vẫn luôn khẳng định nền kinh tế của mình ít chịu tác động và chính sách của điện Kremlin vì thế mà không dễ gì lay chuyển. Hôm thứ Tư, truyền thông Nga dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov rằng Matxcova đã nghiên cứu tăng cường thêm các biện pháp hoạch định kinh tế.
Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nước vùng Baltic và Ba Lan, từng rất quyết liệt trong việc trừng phạt Nga nhưng cuối cùng cũng gật đầu với giải pháp đơn giản nhất là gia hạn lệnh trừng phạt đang áp đặt đối với khả năng tiếp cận vốn vay của các ngân hàng Nga và một số công ty trong lĩnh vực năng lượng, quốc phòng. Châu Âu và Hoa Kỳ cũng đóng băng tài sản và cấm di chuyển đối với một số cá nhân ở Nga và Crimea.
Hồi tháng Ba, các lãnh đạo châu Âu đã thỏa thuận chỉ gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chừng nào hiệp định Minsk có hiệu lực. Nhưng nội bộ EU còn đang “lủng củng” khi chính phủ cánh tả của Hy Lạp bất đồng sâu sắc với Brussels xung quanh cơ chế giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính trong nước.
Ông Tsipras, trước chuyến công du Matxcova tháng Tư vừa rồi, đã công khai chỉ trích lệnh trừng phạt của EU và kêu gọi chấm dứt thái độ lạnh nhạt với Nga. Tuy nhiên trong bối cảnh Hy Lạp chưa tìm thấy lối thoát cho quá trình đàm phán với các chủ nợ, và đứng trước nguy cơ vỡ nợ thực sự, chưa chắc Athens đã đối đầu với EU để đứng về phía Nga.