Thông điệp từ chuyến đi Rome của ông Putin

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Chuyến thăm Italy của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra chỉ hai tuần trước khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định về việc gia hạn lệnh trừng phạt áp đặt với Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Giới quan sát cho rằng Moscow muốn tận dụng mối quan hệ với Rome để khoét sâu vào các rạn nứt bên trong EU và NATO, phá vỡ "sự thống nhất trong lập trường chống Nga" của nhóm G7.

Thủ tướng Italy Matteo Renzi bắt tay Tổng thống Nga Putin. Nguồn: internet
Thủ tướng Italy Matteo Renzi bắt tay Tổng thống Nga Putin. Nguồn: internet

Chuyến thăm Italy là chuyến công du hiếm hoi của ông Putin tới các nước EU kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine nhưng lại là chuyến thăm Italy thứ hai của ông trong vòng 8 tháng, sau cuộc gặp thượng đỉnh Á - Âu diễn ra hồi tháng 10.2014. Trả lời phỏng vấn nhật báo hàng đầu của Italy Corriere della Serra, Tổng thống Nga cho rằng mối quan hệ Nga - Italy đặc biệt hơn so với mối quan hệ giữa Moscow với hầu hết các đối tác khác trong EU. Theo ông Putin, Italy không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Moscow. Các đối tác Italy của Nga luôn đặt lợi ích của đất nước và người dân Italy lên hàng đầu, và tin tưởng rằng để phục vụ lợi ích của đất nước, bao gồm lợi ích kinh tế và chính trị, họ cần phải duy trì mối quan hệ thân thiện với Nga.

Trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) mà Thủ tướng Italy Renzi tham dự mới đây, các nhà lãnh đạo khối này đã cảnh báo sẽ tăng cường trừng phạt Nga nếu bạo lực ở miền Đông Ukraine leo thang. Phản ứng về việc này, Điện Kremlin nói rằng họ nhận thấy những khác biệt về quan điểm trong câu lạc bộ này, một sự ám chỉ tới Italy.

Trong khi đó, trong một bài phỏng vấn khác với tờ báo trên, Ngoại trưởng Italy Paolo Gentiloni lại cảnh báo rằng Rome không có ý định thay đổi thái độ của mình, và không chia sẻ quan điểm của Moscow về tình hình Ukraine. Ông Gentiloni đã phát tín hiệu rằng sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường của Italy về vấn đề Ukraine. Nhấn mạnh sự nhất quán của Rome trong mối quan hệ với các đồng minh châu Âu và Mỹ, ông Gentiloni khẳng định "Italy đã và đang kết hợp sự trung thành với các đồng minh của mình với một mối quan hệ đặc biệt với Nga".

Italy từ lâu vẫn duy trì mối quan hệ kinh tế và chính trị gắn bó mật thiết với Nga trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Italy là đối tác thương mại lớn thứ ba của Nga, sau Trung Quốc và Đức. Năm ngoái, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận với tổng trị giá lên tới hơn 30 tỷ euro (33,9 tỷ USD).

Tổng thống Nga Putin đã tận dụng chuyến công du Italy để đưa ra những lý lẽ chỉ trích các biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm vào Moscow. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Italy Matteo Renzi, Tổng thống Nga Putin nêu rõ rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow sẽ khiến cho các công ty của Italy thiệt hại nặng nề. Ông cũng cảnh báo trong cuộc họp báo ở Milan rằng nhiều hợp đồng mà các công ty của Italy ký kết đã bị trì hoãn do các biện pháp trừng phạt của EU, và rất có khả năng những hợp đồng này sẽ "tan thành mây khói".

Trong khi đó, Thủ tướng Italy Renzi đã có giọng điệu hòa giải đáng chú ý khi nhấn mạnh rằng thế giới muốn Nga quay trở lại vũ đài quốc tế để cùng giải quyết các vấn đề ở Iraq, Syria và Libya. Ông Renzi nói rằng sự ủng hộ tích cực của Nga đối với những nỗ lực thúc đẩy hòa bình ở Ukraine sẽ "giúp xóa bỏ được những bất đồng". Thủ tướng Renzi cũng cho biết ông Putin đã nhất trí rằng thỏa thuận Minsk cần phải được coi là "kim chỉ nam" định hướng cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay.

Thực tế, Italy cũng có nhiều lợi ích trong việc duy trì đối thoại với Moscow. Italy nhận thức được rằng các biện pháp trừng phạt Nga đang phản tác dụng vì hai lý do: lệnh trừng phạt thực sự không có khả năng thay đổi tình hình, cũng không làm thay đổi vị trí của Nga trong khi lại gây thiệt hại nặng cho kinh tế Italy. Theo thống kê của ngân hàng Intesa Sanpaolo, các biện pháp trừng phạt và trả đũa giữa phương Tây và Nga đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại 5 tỷ euro sau khi đồng ruble của Nga sụt giảm hồi cuối năm 2014.

Trong chuyến công du lần này, Tổng thống Nga cũng có cuộc trò chuyện kéo dài 50 phút với người đứng đầu Tòa thánh Vatican, Giáo hoàng Francis. Một tuyên bố của Vatican cho biết Giáo hoàng đã thúc giục nhà lãnh đạo Nga cũng như các bên khác đang can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine, có những "nỗ lực chân thành và mạnh mẽ" để mang lại hòa bình cho Ukraine. Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã làm trì hoãn tiến trình nối lại quan hệ mang tính lịch sử giữa Vatican và Giáo hội Chính thống Nga, làm tiêu tan những hy vọng rằng vị Giáo hoàng người Argentina này có thể sẽ đến thăm Moscow.