Làn sóng doanh nghiệp Nhật rời khỏi nước Anh
Vương quốc Anh có thể nhìn thấy xu hướng di chuyển trụ sở các công ty Nhật Bản ra khỏi đất nước, sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu.
Sputnik Radio đã đưa vấn đề này ra thảo luận với Giáo sư, Tiến sỹ lịch sử kinh tế Janet Hunter, Trường Kinh tế London.
"Từ những quyết định của doanh nghiệp Nhật Bản có thể thấy họ lo ngại sâu sắc về tác động có thể xảy ra do Brexit đối với các khoản đầu tư của Nhật Bản tại Anh. Đây là tin xấu cho các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như những người đang muốn tập trung vào đầu tư ở Anh", Janet Hunter nói. Bà đề cập đến số lượng lớn những người lao động cho các công ty Nhật Bản tại Anh và nói rằng London chắc chắn sẽ không muốn mọi ngành nghề đều di chuyển đến những quốc gia khác thuộc EU như vậy.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Hunter cho rằng Tokyo đã gửi một thông điệp rất mạnh đến Vương quốc Anh từ trước cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6.
"Theo truyền thống, Nhật Bản là nước có quan hệ rất chặt chẽ với Anh, cả về kinh tế và chính trị, và tôi nghĩ rằng ngay cả những người trong chính phủ Anh đã từng vận động cho Brexit cũng hiểu rất rõ các hậu quả tiềm tàng của việc phải di chuyển tài chính và sản xuất ra ngoài nước Anh. Và họ sẽ làm hết sức mình để tránh điều đó".
Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, điều khoản quy định cơ chế chính thức để rời khỏi EU, chưa được kích hoạt và một số người Anh nói rằng không có lý do để hoảng loạn vì sẽ còn tới hai năm và rất nhiều điều có thể xảy ra trong chừng đó thời gian. Quá trình này cần rất nhiều cuộc đàm phán để có thể phù hợp với tất cả.
"Tôi nghĩ rằng phần lớn mọi người đều muốn tránh sự hoảng loạn. Thủ tướng Theresa May đã gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng ta cần phải làm rất nhiều trước khi kích hoạt Điều 50, và chúng ta cần nhận thức được ý nghĩa của việc này. Chúng tôi phải cố gắng hết sức để tìm giải pháp đôi bên cùng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, không ai biết điều gì sẽ đến" bà kết luận.
Các công ty, tập đoàn của Nhật Bản đã và đang sử dụng gần 140 ngàn lao động tại Anh. Một nửa số đầu tư của Tokyo tại EU là ở Vương quốc Anh, với nhiều tên tuổi của các công ty như Daiwa, Hitachi, Honda, Mitsubishi, Nissan và Toyota Nomura.
Trước cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, cả các doanh nghiệp Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe đều đã cảnh báo rằng các khoản đầu tư của Nhật Bản tại Anh sẽ giảm nếu nước này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu.
Tương lai đầy bất ổn
Theo Nick Woodford, đối tác chịu trách nhiệm về mạng lưới kinh doanh Nhật Bản của PwC tại Anh, nói rằng nhiều công ty Nhật Bản đang tìm kiếm không gian để mở rộng hoạt động của họ trên phạm vi toàn cầu với nguyên do bắt nguồn từ sự yếu kém của nền kinh tế và tình trạng dân số già.
Ở thị trường châu Âu, các doanh nghiệp Nhật đặc biệt tập trung đầu tư tại Anh và Đức. Bởi vậy, Brexit chắc chắn gây ra vấn đề.
Woodford cho biết đây sẽ là "một thách thức không nhỏ đối với các tập đoàn như Nissan", có nhà máy lớn ở Sunderland, phía đông bắc nước Anh, nơi mà đại đa số những chiếc xe của thương hiệu này được sản xuất và xuất khẩu sang EU. Brexit có thể dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng về thương mại hoặc thậm chí có thể dẫn tới sự ra đời của các loại thuế nhập khẩu.
Theo Carlos Ghosn KBE, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Nissan, " với tư cách một doanh nghiệp, chỉ khi Anh nằm trong châu Âu thì những yếu tố như việc làm, thương mại và chi phí mới có ý nghĩa nhất đối với chúng tôi. Một vị trí ổn định có ý nghĩa tích cực hơn là một bộ sưu tập các ẩn số".
Và Nissan đã từ chối "suy đoán" các phản ứng nếu Anh thực sự rời khỏi EU. "Rõ ràng, chúng tôi muốn nhà máy Nissan và trung tâm kỹ thuật của chúng tôi ở Anh duy trì được sức cạnh tranh với các đơn vị khác trên toàn cầu, và mỗi cơ hội đầu tư trong tương lai sẽ được thực hiện trên cơ sở từng trường hợp cụ thể. Mọi thứ chỉ cần như bây giờ", ông Ghosn cho biết.
Riêng Nissan sử dụng 8.000 lao động ở Anh cho tất cả các công đoạn sản xuất, kỹ thuật và phương tiện thiết kế, đồng thời thêm 32.000 lao động gián tiếp thông qua các đại lý và chuỗi cung ứng của mình.
Điều đó nói lên rằng, không chỉ một nhà máy, một công ty, một thương hiệu riêng lẻ mà cả các khoản đầu tư lớn của doanh nghiệp Nhật Bản tại Anh (thường trong ngành công nghiệp nặng) đều phải tốn rất nhiều công sức và chi phí cho việc đóng cửa hoặc di dời.
Nước Anh cũng là nơi hoạt động của các công ty Toyota Motor Corporation, Otsuka Pharmaceutical Co, Ltd...; công ty con của các hãng nổi tiếng như: Hitachi Đường sắt, Công ty điện hạt nhân Horizon (một công ty năng lượng Anh, cũng như NuGen - liên doanh giữa Tổng công ty năng lượng hạt nhân của Toshiba và Pháp ENGIE), ...
Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể vẫn giữ nguyên trụ sở châu Âu của họ trong khi vẫn có thể dịch chuyển đầu tư ra khỏi nước Anh vào các nước thành viên EU còn lại. Những cái tên quan trọng nhất là Mitsui & Co., Ltd, Tổng công ty điện Mitsubishi, Mitsui Banking Corporation Sumitomo, Itochu Corporation và Công ty Marubeni.
"Ở một mức độ nào đó, sẽ có những doanh nghiệp tiếp tục duy trì trụ sở ở London nhưng với các quyết định đầu tư cho khu vực", Woodford nói.
"Nhìn chung, cách tiếp cận của các công ty Nhật Bản cho thấy một tương lai không chắc chắn", ông Chris Bryant, Công ty luật quốc tế Berwin Leighton Paisner về chống độc quyền và cạnh tranh cho biết.