EU tìm đến AIIB: Tham gia để kiềm chế

Theo daibieunhandan.vn

Không phải vô cớ ngày càng có nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Mới đây, Hội đồng Thống đốc AIIB đã quyết định mở rộng thành viên từ 57 lên 70 với ba thành viên châu Âu là Bỉ, Hungary và Ireland. Cho đến nay, 17 nước thành viên EU đã tham gia hoặc nộp đơn xin tham gia AIIB.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Sức hút của lợi ích

Theo Chủ tịch AIIB Jin Liqun, đây là một dấu hiệu cho thấy AIIB ngày càng có sức hút như một tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu. Cuộc họp thường niên lần thứ hai của Hội đồng Thống đốc vào tháng 6 tới ở Hàn Quốc sẽ thu hút hơn 1.500 đại biểu đến từ các nước thành viên của AIIB, các tổ chức đối tác cũng như các tổ chức xã hội dân sự.

Trong vòng chưa đầy hai năm kể từ khi chính thức thành lập, AIIB đã cố gắng chứng tỏ mình là một lựa chọn thay thế phù hợp và nghiêm túc cho các tổ chức tài chính quốc tế của phương Tây, cụ thể là Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Sức hấp dẫn ngày càng tăng của AIIB bắt nguồn từ việc Trung Quốc muốn thúc đẩy nó như một tổ chức có khả năng cải cách và bổ sung cho lĩnh vực quản trị kinh tế toàn cầu vốn được hệ thống Bretton Woods thúc đẩy sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Rõ ràng, quyết định khởi động AIIB là do Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển ngày càng thất vọng khi họ chỉ đóng vai trò ngoại biên trong hệ thống tài chính quốc tế hiện hành.

Sự ra đời của ngân hàng này xuất phát từ nhu cầu thực tế khi châu Á là khu vực có dân số lớn nhất thế giới - chiếm 60%, nhu cầu về vốn để phát triển hạ tầng rất lớn. Theo ước tính của ADB, trước cuộc cách mạng công nghiệp ở châu Âu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của châu Á chiếm tới 60% toàn cầu.

Theo dự báo, đến 2050, GDP bình quân đầu người ở khu vực châu Á sẽ đạt 40.000 USD, tương đương với tiêu chuẩn châu Âu hiện nay. Nói cách khác, châu Á đang có tiềm năng và triển vọng phát triển hết sức to lớn.   

Thêm vào đó, khác với nhiệm vụ và nghiệp vụ của IMF cũng như WB là mang tính toàn cầu thì trên thực tế, AIIB có tính chất khu vực, có thể phát huy vai trò hỗ trợ bằng việc đáp ứng các yêu cầu đầu tư ở châu Á.

Mục tiêu kiềm chế

Lý giải tại sao một số nước thành viên EU quyết định tham gia AIIB, các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, EU và các nước thành viên của khối này ngày càng nhận ra sự cần thiết phải thực dụng, coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược quan trọng, đặc biệt trong các sáng kiến kinh tế đa phương mới chẳng hạn như AIIB.

Ngân hàng này có thể chồng chéo với các sáng kiến khác của EU như Kế hoạch Juncker - bản kế hoạch đầu tư ước tính có giá trị hơn 300 tỷ euro với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế châu Âu.

Cộng đồng quốc tế không thể không nhận thấy vai trò bá chủ của Trung Quốc trong AIIB, với 29,8% cổ phần có quyền biểu quyết và 34,6% số tiền đầu tư vào ngân hàng này của Trung Quốc.

Tuy nhiên, AIIB đã tuyên bố có ý định hợp tác với các ngân hàng phát triển đa phương hàng đầu khác như WB, ADB và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD).

Đa số các dự án được Trung Quốc tài trợ trong AIIB đang mở rộng song song với kế hoạch phát triển BRI ở các khu vực như Đông Nam Á, Trung Á và Trung Đông, làm cho các kế hoạch đầu tư và chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc mạnh hơn bao giờ hết.

Vì vậy, giới chuyên gia nhận định EU nên củng cố sự đồng thuận để kiềm chế Trung Quốc bằng cách tăng cường vai trò của mình trong các sáng kiến khu vực và thể chế toàn cầu do Trung Quốc lãnh đạo. EU cũng ưu tiên cho lợi ích của mình ở cấp độ toàn cầu, và đấu tranh ngăn chặn chiến lược và chính sách kinh tế đối ngoại của Trung Quốc muốn chi phối lục địa châu Âu.

AIIB cho thấy đây là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc nhằm đưa ra các giải pháp thay thế trong lĩnh vực tài chính toàn cầu, đồng thời thúc đẩy một chính sách đối ngoại chủ động hơn ở cấp độ quốc tế. EU và các nước thành viên của khối đều nhận thấy họ không nên đánh giá thấp những lợi ích kinh tế và tài chính khi tham gia chặt chẽ hơn với Trung Quốc.