EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới
Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU sau một năm thực thi hiệp định đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 38,48 tỷ USD, tăng 11,3% và kim ngạch nhập khẩu đạt 16,39 tỷ USD, tăng 14,04%.
Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng xuất khẩu trọng điểm phía Nam, 9 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 41,3 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7% và nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định EVFTA qua việc sử dụng chứng nhận xuất xứ (C/O) ưu đãi. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt cũng ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU. Việt Nam hiện đã vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của EU trong khu vực ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 43,2 tỷ EUR (theo Eurostat), và xếp trong top 10 các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào thị trường EU.
Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU chủ đề “EVFTA - Sức bật cho hợp tác thương mại đầu tư trong bối cảnh bình thường mới”, nhiều chuyên gia, khách mời trong nước và nước ngoài bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế và phát triển quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU trong bối cảnh bình thường mới; đồng thời cũng chỉ ra không ít những thách thức đặt ra trước mắt, đặc biệt là diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19.
Việt Nam cần xây dựng các kịch bản phù hợp để thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình mới; khơi thông mọi nguồn lực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chuỗi cung ứng; tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng phục hồi kinh tế thế giới.
Được biết, ngày 28/10/2021, Sở Công Thương, Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre và các doanh nghiệp chế biến dừa sẽ có buổi làm việc với Đại sứ các nước để xúc tiến thương mại sản phẩm từ dừa của Bến Tre sang châu Âu. Cụ thể là kết nối với cơ quan đại diện trong triển khai công tác xúc tiến, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, chủ yếu là mặt hàng dừa; định hướng về tiềm năng hợp tác giữa các bên; một số nội dung về nhu cầu nhập khẩu của thị trường sở tại.
Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Quỳnh Nga tham gia diễn đàn trực tuyến cho biết: Dự kiến, đến cuối năm 2022, Sở Công Thương có kế hoạch mang sản phẩm của tỉnh xúc tiến thương mại sang các nước như: Úc, Nhật Bản và châu Âu. Đồng thời, kịp thời cung cấp thông tin về các chính sách mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đang hướng dẫn các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu đi Trung Quốc thực hiện nghiêm Lệnh 248, 249 về quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, hai lệnh này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.