EVN giao Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm nội dung báo cáo Đoàn thanh tra về điện
Hội đồng thành viên EVN yêu cầu Tổng Giám đốc quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo phục vụ làm việc với Đoàn thanh tra của Bộ Công Thương về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn.
Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành nghị quyết triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về tiết kiệm điện, các giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Hội đồng thành viên EVN giao Tổng Giám đốc chỉ đạo các ban, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Mục 3.a Thông báo số 216/TB-VPCP.
Đối với việc chuẩn bị báo cáo và các hồ sơ, tài liệu kèm theo để phục vụ làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương về quản lý và cung ứng điện của EVN, Tổng giám đốc quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn thanh tra.
Theo Quyết định số 1377/QĐ-BCT ngày 8/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Đoàn thanh tra chuyên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Dầu khí và than.
Tại Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến ngày 1/6/2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu Đoàn thanh tra khẩn trương làm việc trong vòng 1 tháng, kể cả ngày nghỉ.
Tình hình cung ứng điện hiện đang gặp khó khăn khi hầu hết hồ thuỷ điện lớn ở miền Bắc đã về mực nước chết, thậm chí xuống dưới mực nước chết như hồ thuỷ điện Lai Châu, Sơn La. Duy nhất hồ thuỷ điện Hoà Bình còn nước trong hồ và có thể duy trì phát điện đến ngày 12 - 13/6.
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị (chủ yếu là xì ống sinh hơi, xì bộ hâm, bộ quá nhiệt, máy nghiền than, bơm cấp,... ).
Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 là 1 tổ). Điển hình như: Ngày 1/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030MW.
Khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500MW đến 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Tại buổi họp cung cấp thông tin cho báo chí về tình hình cung ứng điện diễn ra vào ngày 7/6, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500 - 17.900MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt). Công suất này đã bao gồm 2.500-2.700MW truyền tải từ miền Nam và miền Trung ra Bắc (cung đoạn đường dây 500kV Nho Quan - Hà Tĩnh).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500 - 24.000MW trong những ngày nắng nóng sắp tới.
Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW, với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).
“Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày”, ông Trần Việt Hòa nói.