FED tăng lãi suất, Việt Nam đủng đỉnh
Những diễn biến mới nhất từ các chính sách lãi suất của Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam.
Động thái không bất ngờ
Ủy ban Thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) kết thúc năm 2017 bằng lần tăng lãi suất cơ bản thứ 3 trong năm, lên mức 1,5%. Động thái này không khiến giới tài chính quốc tế bất ngờ, vì thị trường đã được dự báo từ trước. Tương tự, những diễn biến mới nhất từ Mỹ không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, thậm chí kể đến hết năm 2017.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, việc tăng lãi suất của Fed không gây ra tác động đáng chú ý nào trên thị trường toàn cầu, vì thị trường đã “hấp thụ” động thái này từ hồi tháng 9, sau 2 lần điều chỉnh của Fed trong năm nay.
Lãi suất của Fed thường ảnh hưởng trực tiếp đến lãi suất và tỉ giá ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các loại lãi suất lẫn tỉ giá không có nhiều biến động. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về tình hình kinh tế 11 tháng đầu năm, lãi suất các khoản vay thông thường phổ biến ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong khi mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%.
Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lãi suất điều hành của Ngân hàng trung ương trong năm 2017 có xu hướng giảm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm 25 điểm cơ bản, về mức 6,25%; lãi suất chiết khấu giấy tờ có mức giảm tương tự, về mức 4,25%.
Thị trường tỉ giá cũng thể hiện sự “yên tĩnh” khác thường so với mọi năm. Theo đó, tỉ giá trung tâm tăng 1,27% so với cuối năm 2016. Còn tỉ giá trên thị trường tự do giảm 1,38% (tỉ giá bán ra), theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh. Theo thống kê của SSI trong báo cáo đánh giá về đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed, tỉ giá vẫn giữ nguyên trên thị trường chính thức ở quanh mức 22.700 VND/USD, gần như không thay đổi cho đến nay.
Lý do nào khiến thị trường trở nên bình yên như vậy? Trên thị trường quốc tế, mặc dù Fed có xu hướng thu hẹp chính sách tiền tệ, đồng USD lại giảm nhẹ so với các đồng tiền khác. Thống kê của Bloomberg cho thấy đồng USD đã giảm giá hơn 7% so với một rổ các đồng tiền chủ chốt khác trong năm 2017 và cũng là mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập niên.
Nguồn cung USD đang dồi dào
Đồng USD yếu đi trên thị trường quốc tế cũng khiến vơi bớt áp lực giảm giá tiền đồng như chúng ta thường thấy ở nhiều năm trước. Nhưng lý do quan trọng hơn, đó là vì nguồn cung USD bỗng trở nên dồi dào hơn bao giờ hết.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 11, Việt Nam xuất siêu kỷ lục kể từ năm 2006 (thời điểm gia nhập WTO) với 3,72 tỉ USD. Ngày 21.12.2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết quỹ dự trữ ngoại hối đã lên mức kỷ lục 48 tỉ USD, nhưng những ngày cuối cùng của năm 2017, một kỷ lục mới đã được lập: 51,5 tỉ USD. Còn ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, dự báo lượng kiều hối đổ về địa bàn thành phố trong năm nay ước khoảng 5,2 tỉ USD, tăng 200 triệu USD so với năm ngoái.
Tuy nhiên, sự lo ngại vẫn còn đó, vì lãi suất huy động USD tại Việt Nam vẫn ở mức 0% trong suốt hơn 2 năm qua. Ông Nguyễn Hoàng Minh cho rằng động thái 3 lần tăng lãi suất của Fed và có khả năng tiếp tục tăng trong năm 2018 đã tạo ra một số tác động nhất định, trong đó có tình trạng chảy máu ngoại tệ. Theo ông Minh, các chuyên gia và giới doanh nghiệp cho rằng nên tăng lãi suất huy động đồng USD để giúp hệ thống ngân hàng tranh thủ thu về đồng bạc xanh.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc duy trì lãi suất huy động USD ở mức 0% đã có nhiều tác động tốt kèm theo, điển hình là nhiều người chuyển từ tiền USD sang gửi tiết kiệm bằng tiền đồng.
Trong cả năm qua, thanh khoản ngân hàng ổn định, không biến động nhiều. Còn theo quan sát mới đây của SSI, lãi suất huy động bắt đầu tăng nhẹ từ tháng 11 và xu hướng này tiếp diễn trong tháng 12. “Đó là một yếu tố mang tính chu kỳ. “Thanh khoản có một chút biến động trong tháng 12, nhưng chủ yếu là yếu tố chu kỳ. Các ngân hàng có thể cần nhiều khoản tiền gửi để cải thiện tỉ lệ an toàn của họ hoặc để đáp ứng nhu cầu tín dụng”, báo cáo SSI nhận định.
Trong năm 2018, Fed vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ với dự kiến lãi suất sẽ tiếp tục tăng thêm 2 điểm phần trăm và 2,5 điểm phần trăm trong năm 2019. 2018 cũng là thời điểm Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ phải nhường ghế cho Jerome Powell, người hiện đang bỏ phiếu đồng thuận với các chính sách của Fed hiện nay.
Thị trường tài chính năm 2018 cũng dự kiến sẽ biến động nhiều hơn với nhiều sản phẩm đầu tư, thu hút dòng vốn trên thị trường như các loại tiền mã hóa như Bitcoin chẳng hạn. Tuy nhiên, bà Yellen khẳng định rằng Fed không có kế hoạch xem xét việc phát hành đồng tiền tương tự, cũng như cho rằng Bitcoin chỉ có tác động đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ, chứ khó gây tổn hại đến các định chế tài chính lớn.
Với diễn biến và nguồn lực USD dồi dào hiện nay, áp lực tiền đồng trong năm sau có lẽ cũng không quá nặng nề. Tuy nhiên, sự chú ý nên dồn vào rổ tiền tệ khác mà Việt Nam có lượng giao dịch thương mại lớn, chẳng hạn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật và châu Âu.