FTA Việt Nam - Hàn Quốc: Cơ hội và thách thức
(Taichinh) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam, song cũng tiềm ẩn không ít thách thức khi năng lực cạnh tranh và hệ thống quản lý của nước ta còn nhiều yếu điểm.
Lợi ích không nhỏ
Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba và đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam trong 23 năm kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Hàn Quốc cũng thuộc vào nhóm 3 nước có lượng du khách đến Việt Nam lớn nhất. Đây cũng là một trong những đối tác cung cấp lớn nhất ODA cho Việt Nam (khoảng 21 tỷ USD). Hiệp định đặt mục tiêu tăng gấp đôi tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia lên 70 tỷ USD vào năm 2020, nghĩa là tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm.
Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là Hiệp định FTA tương đối toàn diện, thể hiện mức độ cam kết cao của hai bên Việt Nam và Hàn Quốc đối với các lĩnh vực hợp tác cùng quan tâm.
Với nội dung đã được thỏa thuận, Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hộithị trườngmới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc).
Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, indonesia, Malaysia và Thái Lan (ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN).
Trong quá trình đàm phán Hiệp định VKFTA, hai Bên cũng đã thống nhất nội dung Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế, theo đó, phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thichính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh xuất khẩu bền vững nhưNông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp; Công nghiệp điện tử, Công nghiệp lọc hóa dầu, Công nghiệp hỗ trợ...
Song hành với nhiều thách thức
Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, Hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, chắc chắn sự cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam sẽ gay gắt hơn. Hàn Quốc có lợi thế hơn hẳn Việt Nam về công nghệ, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, năng lực quản lý. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có nhiều kinh nghiệm trên thị trường Việt Nam, hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam nên có khả năng thích nghi nhanh chóng và hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Điều này cùng với những điểm yếu, như chậm đổi mới công nghệ, năng lực quản trị có hiệu quả thấp của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra nguy cơ mất thị trường, phải thu hẹp quy mô thậm chí bị loại khỏi thị trường, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không được đưa vào danh mục giảm thuế của Hiệp định sẽ gây khó khăn cho nông dân Việt Nam, dễ đẩy Việt Nam rơi vào trạng thái thâm hụt thương mại với Hàn Quốc kéo dài.
Bên cạnh đó, thách thức trong xu hướng tự do hóa thương mại thể hiện ở việc nhiều đối tác đến từ các nước khác nhau cũng tham gia vào thị trường Việt Nam sẽ làm tăng tính đa chiều của cạnh tranh, tạo ra một mức độ đào thải cao đối với doanh nghiệp trong nước, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Hơn nữa, các cơ quan quản lý sẽ đứng trước thách thức phải quản lý những đối tác có nhiều kinh nghiệm và khả năng thích nghi cao ở Việt Nam. Do đó, nếu hệ thống quản lý hành chính hiện tại không kịp thời đổi mới có thể trở nên kém hiệu quả, không đáp ứng được các cam kết về tạo điều kiện cho giao dịch hay cung ứng dịch vụ công.
Cần chủ động đón đầu cơ hội
Việc tận dụng thành công những cơ hội từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc về phía Việt Nam sẽ tiếp tục đòi hỏi những nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn, để thu hút các doanh nghiệp Hàn Quốc vào các lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần có các biện pháp đồng bộ liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp lý về đầu tư và công nghệ, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ và đào tạo đội ngũ cán bộ và lao động đủ năng lực để tiếp nhận và sử dụng những công nghệ đó. Sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin và tận dụng các cơ hội từ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc là rất cần thiết.
Trước mắt, các doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh với Hàn Quốc có thể tận dụng các kênh thông tin, ví dụ như các trang thông tin điện tử của các cơ quan hai nước và từ các cơ quan xúc tiến thương mại - đầu tư để cập nhật kiến thức liên quan đến thị trường và các luật lệ, tập quán kinh doanh của Hàn Quốc nhằm sẵn sàng “vào cuộc” khi Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc chính thức được ký kết và đi vào triển khai.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cần coi trọng đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, tăng chất lượng dịch vụ; cần nghiên cứu kỹ lưỡng thị trường Hàn Quốc theo khu vực, các vấn đề về đối tác, hộ gia đình, dân cư, văn hóa… để có chiến lược thâm nhập phù hợp.
Các doanh nghiệp cũng nên liên kết với nhau và có giải pháp tham gia vào chuỗi sản xuất, mạng phân phối của các doanh nghiệp Hàn Quốc để tận dụng những thế mạnh về thị trường, thương hiệu, cách thức tổ chức, quản lý, kinh nghiệm phát triển trong cạnh tranh để vừa tận dụng cơ hội, vừa vượt qua thách thức nhanh chóng và hiệu quả khi hiệu lực thực hiện của Hiệp định đang đến gần.