Gần 15 nghìn doanh nghiệp “hồi sinh” trong 6 tháng đầu năm
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2016 là 14.902 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số hết sức khích lệ, cho thấy niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.
6 tháng đầu năm: Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả lượng và chất
Theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 6 năm 2016, số doanh nghiệp được thành lập mới là 9.761 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 78.299 tỷ đồng, giảm 2,6% về số doanh nghiệp và 22,6% về số vốn đăng ký so với tháng 5/2016. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 6 đạt 8 tỷ đồng, giảm 20,6% so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, cả nước có thêm 54.501 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 427.762 tỷ đồng, tăng 20% về số doanh nghiệp và tăng 51,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015 (So sánh 2015/2014: doanh nghiệp tăng 21,7%; vốn tăng 22,3%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2016 là 1.202.486 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 427.762 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 774.724 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2015. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2016 là 645,1 nghìn lao động, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước.
Theo vùng, lãnh thổ, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở tất cả các vùng đều tăng so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 7.661 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng nhiều nhất là 28,3%; tiếp đến là Đồng bằng Sông Hồng có 16.368 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng là 21,5%; Tây Nguyên có 1.322 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng là 20,2%; Đông Nam Bộ có 23.185 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng 18,6%; Trung du và miền núi phía Bắc có 2.085 doanh nghiệp với tỷ lệ tăng là 18,3%; khu vực có mức tăng thấp nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long có 3.880 doanh nghiệpv ới mức tăng là 9,2%.
Theo lĩnh vực hoạt động, trong 6 tháng đầu năm 2016, hầu hết các ngành, lĩnh vực hoạt động có xu hướng tăng về tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2015, như: Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Hoạt động dịch vụ khác; Giáo dục đào tạo; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn... Ngược lại, lĩnh vực Nghệ thuật, vui chơi và giải trí có số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm 32,2% (691 doanh nghiệp).
Về tỷ lệ vốn đăng ký, một số ngành có tỷ lệ vốn đăng ký tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2015, bao gồm: Kinh doanh bất động sản; Khai khoáng; Thông tin và truyền thông; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; Sản xuất phân phối điện, nước, ga… (Biểu 1).
Bên cạnh đó, cũng có một số ngành đăng ký giảm so với năm trước, như: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Xây dựng; Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Vận tải kho bãi; Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy.
Song, cũng có hơn 36 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động
Bên cạnh những mảng sáng trong bức tranh doanh nghiệp 6 tháng, thì cũng có những mảng tối đáng chú ý. Cụ thể: Lũy kế 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động lên tới 36.626 doanh nghiệp, trong đó có 5.507 hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ.
Như vậy, bình quân mỗi ngày, có hơn 200 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động. Điều này tương ứng với hàng nghìn người lao động sẽ mất việc. Phần lớn các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đều có quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỷ đồng (Bảng 1, Bảng 2).
Nếu so sánh tương quan giữa số doanh nghiệp mới thành lập và số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong nửa đầu năm 2016 có thể thấy tỷ lệ này là 3:2. Như vậy, cứ 3 doanh nghiệp thành lập mới lại có tới 2 doanh nghiệp rời thị trường hoặc ngừng hoạt động.
Nhóm ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô-xe máy có số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động lớn nhất với 13.416 đơn vị. Tiếp đó là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch… đều có tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động ở mức cao (Biểu 2).
Ngược lại, có 04 nhóm ngành, lĩnh vực có mức doanh nghiệp giải thể giảm là: Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác giảm 53,4% (96 doanh nghiệp); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 30,2% (90 doanh nghiệp); Thông tin và truyền thông giảm 13,8% (212 doanh nghiệp); Xây dựng giảm 5% (547 doanh nghiệp).