Thắt chặt liên kết sản xuất - bán lẻ
Người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều lựa chọn hàng hóa ngoại nhập khi không ít nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường trong nước. Song điều này cũng đặt ra khó khăn, thách thức trong tiếp cận sản phẩm của các doanh nghiệp nội. Do đó, để giữ chân khách hàng nội, các nhà sản xuất trong nước cần xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nhà bán lẻ.
Hàng hóa nước ngoài đang thâm nhập vào thị trường nội địa ngày càng nhiều thông qua các kênh bán lẻ của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên ít có lợi thế và thường ở thế bị động khi đàm phán với các nhà phân phối, đặc biệt là kênh bán lẻ nước ngoài. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thông qua ban hành các cơ chế kiểm tra thị trường, đặc biệt là sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa hàng hóa nước ngoài đối với hàng nội địa đang diễn ra tại các siêu thị nước ngoài.
Hơn nữa, trong trường hợp nếu có hiện tượng các doanh nghiệp lợi dụng ưu thế thị phần của mình và có những hành vi phân biệt đối xử hay gây sức ép với doanh nghiệp khác, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần có các biện pháp can thiệp, bảo vệ quyền và lợi ích cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Thực tế cho thấy, hiện có không ít doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đã chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao để cạnh tranh vững không chỉ ở nội địa mà lấn sân mở rộng sang thị trường nước ngoài. Có thể thấy rõ rằng, các doanh nghiệp này cũng đã biết đầu tư đổi mới công nghệ, lựa chọn các sản phẩm tốt nên giữ được thị trường và cạnh tranh được với hàng ngoại nhập.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hòa nhận định, khi sản phẩm hàng hóa vừa bảo đảm chất lượng, vừa độc đáo, khác biệt, được người tiêu dùng thừa nhận, các nhà sản xuất nội sẽ có thể chiếm thế chủ động trong đàm phán với các kênh bán lẻ nước ngoài hay thậm chí chủ động lập kênh phân phối mà không phải phụ thuộc vào các kênh phân phối bên ngoài.
Tuy nhiên, để giữ chân người tiêu dùng nội trong bối cảnh các nhà bán lẻ ngoại đang ngày càng nhiều và mạnh hơn về nhiều mặt, ngoài việc khác biệt hóa cho sản phẩm, điều cần thiết cần làm ngay là các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần có chiến lược liên kết chặt chẽ với các đơn vị bán lẻ nội địa. Điều này sẽ hỗ trợ hai bên kịp thời khắc phục khó khăn và tìm được lối đi chung để đứng vững ngay chính tại thị trường sân nhà.
Theo đại diện của một số nhà phân phối trong nước, tuy phải chịu áp lực cạnh tranh không nhỏ trên thị trường bán lẻ, song các doanh nghiệp luôn nỗ lực hỗ trợ, đồng hành, xây dựng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đơn cử như, trên 90% hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Nhiều đơn vị bán lẻ nội cũng đã chủ động hướng tới phát triển các hình thức thương mại điện tử, các cửa hàng tiện lợi nhằm mở rộng mạng lưới tiêu thụ cùng với doanh nghiệp sản xuất Việt đứng vững trên thị trường.
Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, với làn sóng hàng hóa ngoại ngày càng tăng, các doanh nghiệp bán lẻ nội cần có chính sách ưu tiên sử dụng, trưng bày và quảng bá các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đối với những hàng hóa cùng chủng loại, cùng chất lượng, cùng giá trị sử dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần tính đến việc liên kết với các nhà phân phối để tìm giải pháp tối ưu hoặc chủ động tự xây dựng các điểm bán hàng tránh phụ thuộc vào các kênh phân phối. Các doanh nghiệp thuộc các ngành hàng khác nhau vẫn có thể phối hợp xây dựng hệ thống phân phối để đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Từ đó, các nhà phân phối có thể chủ động phối hợp chặt chẽ trên cơ sở hệ thống quản lý, tận dụng phương tiện vận chuyển. Điều này góp phần giúp giảm thiểu chi phí và doanh nghiệp sản xuất cũng dễ dàng kiểm soát hệ thống phân phối, khả năng bán hàng của mình, thậm chí nắm bắt trực tiếp và nhanh hơn nhu cầu của người tiêu dùng ở các địa phương.
Trước sức ép cạnh tranh mạnh mẽ, các doanh nghiệp trong nước phải biết phối kết hợp, chia sẻ lợi ích để hỗ trợ, cùng nhau phát triển là điều kiện tiên quyết, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tận dụng lợi thế hiểu biết nhu cầu của người Việt để đưa ra sản phẩm phù hợp, giá cả cạnh tranh, đủ khả năng chiếm lĩnh các kênh phân phối trong và ngoài nước và đứng vững ngay trên sân nhà.