Gần 200 doanh nghiệp tham gia hội thảo góp ý nghị định kiểm tra chuyên ngành thực phẩm nhập khẩu
Sáng 1/4, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất nhập khẩu thực phẩm khu vực phía Nam về Nghị định quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều hành buổi tham luận, ông Mai Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan và các vụ cục, bộ ngành liên quan.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa thực phẩm nhập khẩu đã đạt được một số kết quả nhất định song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính và vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, rà soát các nội dung theo nhóm vấn đề gồm: Nhóm về nội dung liên quan đến lĩnh vực thủ tục hải quan chung; nhóm về nội dung liên quan đến lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành thực phẩm nhập khẩu...
Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có những chỉ đạo tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thể hiện tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2020 và Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 13/11/2019.
Ông Mai Xuân Thành cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã xây dựng Dự thảo “Nghị định Quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu". Qua đó, nhằm tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Để cải cách toàn diện thủ tục Kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách Kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.
Theo dự thảo Nghị định kiểm tra chuyên ngành thực phẩm nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu; Thực hiện kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường hoặc trưng cầu, giám định, thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp/giám định được Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định; Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, về ATTP để thông quan; Chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong KTCL, kiểm tra ATTP, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan.
Khi thực hiện tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện KTCL, kiểm tra ATTP, cơ quan hải quan sẽ tổng hợp nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu về hàng hóa, người nhập khẩu hàng hóa thuộc diện KTCL, kiểm tra ATTP, từ đó sẽ xây dựng nguồn cơ sở dữ liệu và hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo triển khai các nội dung theo Mô hình mới.
Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thực hiện công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia danh mục các mặt hàng được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, các cơ quan trong việc phối hợp, triển khai nhiệm vụ liên quan...