Ghi âm trong tư vấn bảo hiểm bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng

Tú Linh

Các doanh nghiệp bảo hiểm buộc phải thực hiện ghi âm/ghi hình trong tư vấn bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Các chuyên gia cho rằng, công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ, gia tăng niềm tin, bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng.

Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ, gia tăng niềm tin, bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng.
Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tuân thủ, gia tăng niềm tin, bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng.

Chị Phan Như Tâm (38 tuổi), ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh cho biết, cuối tháng 10/2024 chị chủ động tìm hiểu sản phẩm của 2-3 hãng bảo hiểm khác nhau. Nhận thấy sản phẩm của Prudential phù hợp với nhu cầu, đầu tháng 11, khi đã được tư vấn kỹ càng chị Tâm đã quyết định tham gia hai gói bảo hiểm với đầy đủ quyền lợi cho hai vợ chồng và các con.

Sau khi được chia sẻ về quyền lợi, các loại phí, điều kiện loại trừ…, chị Phan Như Tâm được thông báo sẽ phải thực hiện việc ghi âm một số nội dung và đây là điều kiện bắt buộc để hợp đồng được cấp theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Mặc dù phải mất thêm hơn 20 phút để ghi âm các nội dung nêu trên với sự hỗ trợ của tư vấn viên, chị Tâm cảm thấy khá hài lòng dịch vụ của công ty bảo hiểm.

Cũng có cảm nhận tương tự, chị Nguyễn Mai Trang (30 tuổi) ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết, ngày 4/11 khi tham gia một hợp đồng bảo hiểm, chị được tư vấn viên chia sẻ, theo quy định, bắt buộc phải ghi âm một số nội dung trong tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thực tế đi tư vấn, anh Tô Huỳnh Quốc Thắng (chuyên viên tư vấn của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential) chia sẻ, khách hàng rất ủng hộ quy định này của cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù thời gian đầu triển khai còn nhiều phản hồi như thời gian ghi âm ngắn, nội dung khá dài, thiếu sót thông tin bị trả về hồ sơ yêu cầu bảo hiểm…

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đồng loạt triển khai quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ghi âm/ghi hình một số nội dung trong tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ ngày 2/11/2024 sau thời gian thử nghiệm trước đó.

Theo đại diện một số doanh nghiệp bảo hiểm, đây là quy định của Luật, bắt buộc phải triển khai nên các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng đã có sự chuẩn bị tử tước. Bởi trong quá trình xây dựng thông tư, các doanh nghiệp bảo hiểm đã nắm được tinh thần, nên có kế hoạch chủ động chuẩn bị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo việc triển khai vừa đúng quy định, nhưng phải mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Theo ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, việc ghi âm/ghi hình trong tư vấn bảo hiểm giúp pháp lý trong ngành Bảo hiểm ngày càng hoàn thiện và mang lại lợi ích tích cực.

“Cả 3 bên bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, tư vấn viên/đại lý và khách hàng đều sẽ nhận được lợi ích lâu dài. Mọi thông tin được tư vấn là chính xác và minh bạch, giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, các quyền lợi của mình, từ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng, ngăn ngừa các sai phạm trong quá trình tư vấn, giảm thiểu các tranh chấp với công ty bảo hiểm sau này”, ông Ngô Trung Dũng khẳng định.

 

Tính đến thời điểm này, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đồng loạt triển khai quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Thông tư số 67/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc ghi âm/ghi hình một số nội dung trong tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư từ ngày 2/11/2024 sau thời gian thử nghiệm trước đó.