Giá lương thực thế giới giảm tháng thứ 10 liên tiếp
Chỉ số Giá Lương thực toàn cầu (FAO Food Index) tháng 1/2023 đã giảm tháng giảm thứ 10 liên tiếp, chủ yếu do giá dầu thực vật, bơ sữa và đường giảm.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vừa cho biết chỉ số Giá lương thực toàn cầu (FAO Food Index) trong tháng 1/2023 đạt 131,2 điểm, giảm 0,8% so với tháng 12/2022, xác lập tháng giảm thứ 10 liên tiếp. Chỉ số Giá lương thực toàn cầu phản ánh diễn biến giá của các nhóm lương thực, thực phẩm chủ chốt trên toàn cầu.
Chỉ số Giá lương thực toàn cầu đã giảm khoảng 18% so với mức cao kỷ lục xác lập hồi tháng 3/2022 và chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 9/2021. Giá các loại lương thực trên thế giới đã tăng vọt lên mức cao nhất hàng chục năm trong nửa đầu năm 2022 dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine.
FAO cho biết trong tháng 1/2023, giá các loại dầu thực vật giảm 2%, bơ sữa giảm 1,4% và đường giảm 1,1%, giúp kéo chỉ số Giá lương thực toàn cầu đi xuống. Tuy nhiên, giá các loại ngũ cốc và thịt gần như không đổi.
Trong đó, chỉ số Giá ngũ cốc tháng 1/2023 tăng 0,1% so với tháng 12/2022 và cao hơn 4,8% so với hồi tháng 1/2022, chủ yếu do giá gạo và giá ngô tăng. Đáng chú ý, giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng 6,2% trong tháng 1/2023 khi nguồn cung gạo xuất khẩu suy giảm do nhu cầu tại thị trường nội địa của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn tại châu Á tăng lên, cùng với đó là sự thay đổi tỷ giá giữa các loại tiền tệ.
Đối với mặt hàng ngô, giá loại ngũ cốc này tăng nhẹ 0,5% so với thời điểm cuối năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu trên thị trường đối với ngô Brazil tăng kết hợp với tình trạng khô hạn tại Argentina. Brazil và Argentina hiện là những quốc gia xuất khẩu ngô chủ chốt trên thế giới.
Dữ liệu của FAO cũng cho thấy, chỉ số Giá đường trong tháng 1/2023 đã giảm 1,1% so với tháng 12/2022, đánh dấu tháng đầu tiên giảm xuống sau 2 tháng tăng mạnh liên tiếp. Giá đường chịu áp lực giảm chủ yếu do tình hình thu hoạch tại Thái Lan diễn ra tốt và thời tiết chuyển biến thuận lợi tại các khu vực canh tác mía đường chính ở Brazil.
Tuy nhiên, FAO nhận định giá đường có thể không giảm sâu do những lo ngại về sản lượng mía đường của Ấn Độ ở mức thấp. Đồng thời, giá nhiên liệu tại Brazil tăng cao có thể khiến lượng mía đường được dùng để sản xuất xăng sinh học tăng lên, thay vì dùng để sản xuất đường.